Trăn trở của CEO khởi nghiệp bằng sản phẩm công nghệ vì giáo dục

GD&TĐ - Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Huy Du - CEO của The Smart LIGHT, một thành viên của mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, khởi nghiệp bằng sản phẩm công nghệ vì giáo dục.

Chủ nhân giải Đặc biệt “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018, tự hào đã đưa Đèn học thông minh "từ cuộc thi tới được cuộc sống, từ giải thưởng thành được giải pháp".
Chủ nhân giải Đặc biệt “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018, tự hào đã đưa Đèn học thông minh "từ cuộc thi tới được cuộc sống, từ giải thưởng thành được giải pháp".

Thích ứng, Chuyển đổi và Bứt phá

PV: Được biết anh là một trong những thành viên của mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tham gia Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest Việt Nam 2020. Anh có thể chia sẻ đôi chút về Ngày hội này?

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest Việt Nam 2020 sẽ diễn ra từ ngày 27-29/11 tại Hà Nội với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.

TechFest 2020 với chủ đề “Thích ứng - Chuyển đổi - Bứt phá" sẽ tiếp nối thông điệp của TechFest các năm trước về kết nối và hội tụ nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, đây là dịp quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế.

PV: Anh có thể cho biết nội dung chính anh mang tới Hội thảo tại TechFest 2020?

Tại Hội thảo, các đại diện của quản lý nhà nước, các viện trường cùng đại diện các doanh nghiệp sẽ trao đổi và thảo luận về các vấn đề thách thức của doanh nghiệp và xã hội cần được giải quyết trong bối cảnh hiện tại.

Cá nhân tôi tham gia Hội thảo với một tham luận “Nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp thời kỳ 4.0”. Với chủ đề này, tôi muốn góp tiếng nói của một doanh nghiệp đang khởi nghiệp về một số vấn đề đang diễn ra khá nhanh đối với nguồn nhân lực thời 4.0. Với doanh nghiệp thời 4.0, chúng tôi coi nhân sự là tài sản quý của doanh nghiệp, không chỉ đơn thuần là người lao động như khái niệm của doanh nghiệp thời trước.

CEO Nguyễn Huy Du quan tâm nhiều đến chủ đề “Việt Nam 2045” tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 3 năm 2020.
CEO Nguyễn Huy Du quan tâm nhiều đến chủ đề “Việt Nam 2045” tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 3 năm 2020.

Với doanh nghiệp thời 4.0 nhân sự là tài sản quý

PV: Hội thảo sẽ đề cập sâu tới vấn đề gì về nguồn nhân lực, và doanh nghiệp của anh đã có sự chuẩn bị như thế nào cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Tìm ra giải pháp và mô hình kết nối hợp tác giữa các cơ quan quản lý, nhà trường và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia quá trình giải quyết các thách thức, các bài toán của doanh nghiệp và xã hội góp phần phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp là mục đích cũng là mục tiêu mà Hội thảo đề ra để tìm ra.

Với doanh nghiệp tôi đang điều hành, chúng tôi đã có sự hợp tác đặt hàng về nguồn nhân lực với các trường ngay từ khi quyết định khởi nghiệp, điều thuận lợi là các trường đặc biệt khối trường giáo dục nghề nghiệp rất đón nhận. Năm 2018, dự án đèn học thông minh The Smart LIGHT đã có những thỏa thuận về tìm kiếm nhân lực kỹ sư chất lượng cao từ các đội tuyển thi Olympic Tin học và Robocon của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Từ năm 2019, công ty phối hợp chọn và đào tạo nhân sự kỹ thuật có tay nghề cho hệ thống bảo hành và lắp ráp sản phẩm với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

PV: Anh đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực mà các trường đang cung cấp ra thị trường sau đào tạo?

Tôi đồng ý với nhận định của NGƯT, TS Phạm Xuân Khánh (phụ trách Trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội) cho rằng: “Sinh viên trường nghề có khả năng thành công cao hơn trường khác”. Rõ ràng có tay nghề vững chắc khi các bạn tham gia khởi nghiệp sẽ thuận lợi hơn, còn về độ thành công nhanh hay chậm, lớn hay vừa là còn phụ thuộc vào đội nhóm mà các bạn trẻ ấy kết hợp được để tham gia khởi nghiệp kinh doanh.

Chia sẻ thêm, tôi mới tham dự hội thảo “Kết nối nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp thời kỳ 4.0”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trong hai ngày 23 và 24/11 tại TP.HCM tôi đã quan sát các cuộc thi và thấy các sản phẩm rất đúng và trúng nhu cầu thực tế, sản phẩm đạt giải đã có được nhà đầu tư chọn ngay tại lễ công bố trao giải.

Ngoài ra, khi tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 3 năm 2020 với vai trò là một thành viên của mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, tôi đã có trao đổi về chủ đề kết nối và liên kết giữa 5 nhà gồm: nhà nghiên cứu, nhà nước, nhà đầu tư, nhà trường và nhà kinh doanh sẽ tạo ra được những sản phẩm gần với nhu cầu thực tế là thành công, cộng thêm nếu bán mạnh trong nước và xuất khẩu được thì sự liên kết đó mới là thành công thực sự.

Tuy vậy, tôi cũng có chia sẻ về một vài thứ mà nguồn nhân lực trong các trường còn thiếu hoặc yếu, các viện, trường cần đào tạo bổ sung kỹ năng tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số và các kiến thức về sở hữu trí tuệ. Khi có thêm những kiến thức, kỹ năng đó nguồn nhân lực trẻ sẽ tự tin và chủ động tham gia vào thị trường nhân lực thời 4.0 cũng như phát huy được “giai đoạn dân số vàng” của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ