Đến dự có bà Lê Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV (Bộ GD&ĐT); TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, các chuyên gia, diễn giả và hàng trăm sinh viên của Trường ĐH Mở Hà Nội.
Tham dự diễn đàn còn có nhóm các bạn sinh viên - những người thực hiện dự án Kết nối và hỗ trợ người cao tuổi “App Caso” đến từ Trường ĐH Mở Hà Nội. Với dự án trên, nhóm sinh viên đã lọt vào tốp 50 ý tưởng xuất sắc nhất của cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 được Bộ GD&ĐT tổ chức trước đó. Đây là minh chứng cho sự thành công của sinh viên khởi nghiệp và cũng là động lực để các bạn sinh viên khác vững niềm tin thực hiện các ý tưởng startup của mình.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Hằng thông tin, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho các em trong thời gian học tập tại nhà trường. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.
Sau khi đề án được ban hành, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai đề án hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025 của ngành Giáo dục; đồng thời hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong nhà trường.
Theo bà Lê Thị Hằng, sau 3 năm triển khai Đề án đã có một số kết quả ban đầu, được thể hiện thông qua các dự án khởi nghiệp của HSSV tham gia Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp được Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm.
Trong 2 năm tổ chức Cuộc thi, Bộ GD&ĐT đã nhận được gần 350 dự án đến từ các cơ sở đào tạo, 150 dự án đến từ các trường THPT trên toàn quốc. Theo đó, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử nghiệm.
Hiện tại, nhiều dự án của HSSV đã thành lập doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại để đưa vào sản xuất đại trà. Kết quả này mặc dù không lớn nhưng đã tạo được điểm nhấn ban đầu đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các trường đại học và các em HSSV.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV cho biết, kết thúc vòng bán kết năm 2020, từ hơn 600 dự án của HSSV, Bộ GD&ĐT đã lựa chọn 72 dự án của HSSV tham dự Vòng chung kết tại ngày hội khởi nghiệp HSSV được tổ chức vào ngày 18-19/12/2020.
“Tại diễn đàn này, tôi mong muốn các em hãy lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia để được cung cấp, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết về hành trình người khởi nghiệp.
Các em có thể chia sẻ suy nghĩ, chia sẻ về những khó khăn vướng mắc của bản thân để các chuyên gia có thể giải đáp, giúp các em phần nào khám phá bản thân, có thêm khát vọng, động lực để bước đầu bước vào hành trình người khởi nghiệp” - bà Lê Thị Hằng nói.
Truyền cảm hứng đến hàng trăm sinh viên, TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội chia sẻ, việc đầu tiên là sinh viên cần có ý thức tự giác trong học tập, nỗ lực phấn đấu vươn lên để tự khẳng định bản thân và làm chủ cuộc sống sau này.
Các em hãy tự hào về ngôi trường mình đang học, tự tin về bản thân và không được tự ti. Làm sao để doanh nghiệp cần đến mình, mời mình về làm việc. Hoặc nếu có mang hồ sơ đến doanh nghiệp xin việc, thì hãy làm cho họ tin tưởng rằng: mình sẽ là người làm cho doanh nghiệp phát tài…
Cũng tại diễn đàn đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Hành trình người khởi nghiệp” với sự tham gia của các chuyên gia: Ông Nguyễn Chí Hiếu – Chuyên gia Tài chính quốc tế; ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hệ thống thông tin FPT; Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ NovaEdu
Các chuyên gia đã chia sẻ câu chuyện về khởi nghiệp của bản thân, đồng thời giải đáp nhiều câu hỏi của sinh viên xung quanh các vấn đề như: Sinh viên có nên tham gia khởi nghiệp hay không? Những ai sẽ phù hợp với khởi nghiệp? Hành trình khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để có được ý tưởng khởi nghiệp? Yếu tố để khởi nghiệp thành công…
Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Bắc Á (Bắc Á Bank) và Lê Khánh Group.