Khởi nghiệp: Cần sở trường và đam mê

GD&TĐ - Chiều nay (25/11), Bộ GD&ĐT tổ chức diễn đàn “Hành trình người khởi nghiệp – SV Starup” tại Trường ĐH Xây dựng.

Từ phải qua trái là các diễn giả: Đỗ Cao Bảo; Lê Viết Hải; Đỗ Mạnh Hùng - giao lưu, chia sẻ với sinh viên của Trường ĐH Xây dựng
Từ phải qua trái là các diễn giả: Đỗ Cao Bảo; Lê Viết Hải; Đỗ Mạnh Hùng - giao lưu, chia sẻ với sinh viên của Trường ĐH Xây dựng

Đây là chương trình số 14 nằm trong chuỗi diễn đàn tại các cơ sở GD-ĐT, nhằm tạo động lực thúc đẩy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp cho HSSV. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Bắc Á (Bắc Á Bank) và Lê Khánh Group.

Diễn đàn có sự tham gia của các diễn giả: Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình; ông Đỗ Cao Bảo – thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT; ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Novaedu.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ với sinh viên về câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, từ những khó khăn, thất bại cho đến thành công; đồng thời giải đáp nhiều băn khoăn thắc mắc của sinh viên về vấn đề này.

Theo ông Lê Viết Hải, điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp là cần có đam mê và sở thích. Thời gian đầu, chắc chắn các bạn sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các bạn chưa nên nản chí, hãy biến khó khăn thành động lực và cơ hội cho mình. Các em có thể tìm đến các chuyên gia để được tư vấn và lựa chọn cho mình những bước đi phù hợp. Đặc biệt, cần tích lũy kiến thức để có nền tảng khi khởi nghiệp.

Khẳng định có nhiều con đường để tiếp cận với khách hàng, ông Hải cho rằng, hãy chọn con đường phù hợp với năng lực, sở trường cho mình trên cơ sở uy tín, chất lượng và cái tâm của người kinh doanh.

Ngoài kiến thức chuyên môn, để tham gia khởi nghiệp, tham gia vào kinh doanh thì các em nên học thêm về quản trị, trong đó có quản trị về nhân sự, SEO, Maketing. Các em nên học thêm một ngành mà mình yêu thích, tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn để phát huy được kiến thức và theo đuổi đam mê của mình.

Cho rằng, mỗi người đều có sở trường riêng, ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ, các bạn hãy thử sức với đam mê, sở trường của mình. Hãy cho phép mình sai và chấp nhận thất bại khi khởi nghiệp. Quan trọng là các em biết rút kinh nghiệm và coi đó là bài học trân quý cho bản thân.

Đặc biệt, cần dám nghĩ, dám làm, dám lăn xả và dấn thân với đam mê đó. Hãy tạo cho mình tinh thần lạc quan và tạo sự khác biệt trên con đường mình đã chọn để đi đến thành công.

Cũng theo ông Bảo, muốn thành lập công ty và trở thành thủ lĩnh, các bạn cần có người đồng hành cùng chí hướng. Đã là lãnh đạo công ty thì cần có tố chất: lãnh đạo và kinh doanh (bán hàng).

Sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả
Sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả

Trước câu hỏi của sinh viên rằng đối với kiến trúc sư thì nên lập nghiệp hay khởi nghiệp, các diễn giả cho rằng, mỗi lĩnh vực đều có thế mạnh và giải pháp riêng. Vì thế, các em cần trang bị cho mình kỹ năng phân tích và khả năng lý luận. Các em cần hoàn thiện năng lực lập luận để thuyết phục đối tác.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về kiến trúc thượng tầng đối với doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh đến 3 yếu tố cốt lõi đó là: văn hóa doanh nghiệp, hệ thống quản lý và chính sách của công ty. Trong đó văn hóa doanh nghiệp là nền tảng, và các bạn cần trả lời được một số câu hỏi như: Việc thành lập công ty (doanh nghiệp) với ước mơ, hoài bão gì? Sứ mệnh của doanh nghiệp với xã hội; triết lý kinh doanh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi là gì.

“Các em cần suy nghĩ thấu đáo, cùng thống nhất với các thành viên và nên coi những điều đó như “hiến pháp” và tuyên ngôn của doanh nghiệp” – ông Hải nhấn mạnh.

"Khởi nghiệp là một hành trình chỉ dành cho những người có ước mơ và sẵn sàng đánh đổi. Khởi nghiệp tuân thủ quy luật của việc có thành công thì có thật bại”ông Đỗ Mạnh Hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ