Nhận được lời mời của NASA
Thời học phổ thông, Đinh Bá Tiến là lứa học sinh lớp 10 đầu tiên của Trường Phổ thông năng khiếu (chuyên Toán - Tin, năm 1996, ĐHQG TPHCM).
Năm lớp 11, Đinh Bá Tiến đoạt giải ba quốc gia về Tin học, sau đó anh được tuyển thẳng vào khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM).
Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT (loại xuất sắc) của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, Đinh Bá Tiến được nhiều trường ĐH của Anh, Úc, Mỹ… cấp học bổng tiến sĩ.
Sau đó, Đinh Bá Tiến chọn học tại ĐH Huddersfield (Anh). Năm 2004, khi là nghiên cứu sinh tại ĐH Huddersfield, anh có cơ hội thực tập tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Phía NASA đưa ra một đề tài và yêu cầu Đinh Bá Tiến phải thực hiện, liên quan đến “tính toán tối ưu hóa đường bay cho các máy bay do thám”.
Đinh Bá Tiến đã nhiều đêm suy nghĩ và tìm tòi ra phương pháp mới. Điều đáng ngạc nhiên là phương pháp mới này đã cho ra kết quả tối ưu, cho phép máy bay có thể quan sát hết các vật thể nhanh gấp nhiều lần so với các nghiên cứu trước đó.
Kết thúc chương trình thực tập với kết quả tối ưu, Đinh Bá Tiến nhận được lời mời ở lại cộng tác cùng NASA, trước mắt là làm việc trong 2 năm. Tuy nhiên, Đinh Bá Tiến đã từ chối vì anh muốn trở về Việt Nam làm việc và cống hiến.
Giảng dạy và giúp sinh viên xin học bổng du học
Từ chối nhiều lời mời từ các trường ĐH danh tiếng, TS Đinh Bá Tiến về Việt Nam và làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM.
Đinh Bá Tiến cho biết trước khi quyết định trở về Việt Nam, anh đã suy nghĩ rất kỹ. Và mong muốn lớn nhất của anh là giúp được nhiều sinh viên Việt Nam trong học tập và xin học bổng du học.
Trong 2 năm gần đây, Đinh Bá Tiến đã hướng dẫn cho hàng chục sinh viên xin được học bổng vào các trường thuộc “top” của Mỹ.
Đinh Bá Tiến cho biết: “Nếu sinh viên có ý định du học, thì ngay từ năm học thứ 2, thứ 3 của ĐH, sinh viên cần phải chuẩn bị các điều kiện cần về ngoại ngữ như: TOEFL/IELTS, GRE (Graduate Record Examinations - là một trong những điều kiện bắt buộc để nhập học sau đại học cho ngành CNTT)…
Đồng thời, trong thời gian này, sinh viên cần bắt tay vào nghiên cứu sớm, cố gắng viết bài và tham dự hội nghị, hội thảo chuyên ngành trong nước và quốc tế (nếu có điều kiện).
Theo Đinh Bá Tiến, khi gửi tham luận tham gia hội nghị, hội thảo, sinh viên sẽ có cơ hội được trình bày, được nghe góp ý, được tiếp cận với đề tài của những đại biểu khác, từ đó mở rộng thêm sự hiểu biết trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Ngoài ra, chuẩn bị hồ sơ xin học bổng là rất quan trọng. Hồ sơ phải thể hiện năng lực và những điểm mạnh của mình. Đặc biệt, khi viết bài luận thể hiện nguyện vọng phải nêu bật được đam mê thực sự về nghiên cứu của mình và nền tảng kiến thức phù hợp.
Sinh viên nên nhờ những thầy cô hiểu rõ về mình viết thư giới thiệu. Vì thầy cô hiểu mình sẽ có những lời giới thiệu cụ thể.