Tiến sĩ Lê Thị Cẩm Tú: Cơ duyên với khoa học Vật lý

GD&TĐ - Tuy mới bước qua tuổi 32 nhưng TS Lê Thị Cẩm Tú (nghiên cứu viên cơ hữu thuộc Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) là tác giả của 8 công trình trên các tạp chí ISI.

TS Lê Thị Cẩm Tú và các đồng nghiệp tại TDTU. Ảnh: NVCC
TS Lê Thị Cẩm Tú và các đồng nghiệp tại TDTU. Ảnh: NVCC

Mới đây, chị vinh dự trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020 dành cho những nhà khoa học dưới 35 tuổi của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam.

8 công trình trên tạp chí quốc tế

Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam (Vietnamese Theoretical Physics Society - VTPS) vừa công bố giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020 dành cho những nhà khoa học dưới 35 tuổi. TS Lê Thị Cẩm Tú (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TDTU) trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020 về Vật lý của VTPS sau 10 năm tổ chức.

Một thành tích khác trong khoa học đáng khích lệ của TS Lê Thị Cẩm Tú là tuy mới bước qua ngưỡng 32 tuổi nhưng chị đã sở hữu 8 công trình trên các tạp chí ISI. Trong đó, 4 công trình do chị là tác giả chính, còn lại là thành viên trong nhóm nghiên cứu.

Hai công trình xuất sắc giúp TS Cẩm Tú giành giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2020 được xuất bản trên Tập san Physical Review A, tập san hàng đầu về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society). 

Nói về ý nghĩa của hai công trình trên, TS Cẩm Tú chia sẻ: Ngoài việc giúp tôi nhận được giải thưởng Nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết, 2 công trình này có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đánh dấu hai giai đoạn quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học của tôi: trước tiến sĩ và sau tiến sĩ.

Nếu bài báo “Hiệu ứng của phân cực lõi động lên sự phát xạ sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO” (năm 2018) là công trình giúp tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; bài báo thứ hai “Ảnh hưởng của phân cực lõi động lên cực tiểu cấu trúc trong sóng điều hòa bậc cao của phân tử CO2” (năm 2019) là nghiên cứu mở rộng của công trình trước. 

Cả hai công trình là công sức của tập thể, từ sự định hướng của thầy hướng dẫn, hỗ trợ của nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là khi thực hiện các công trình này, tôi may mắn được làm việc trong môi trường thuận lợi, dù là vị trí cộng tác viên hay viên chức cơ hữu tại Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu (AIMaS).

Muốn thử sức với nghiên cứu

TS Lê Thị Cẩm Tú tại phòng làm việc. Ảnh: NVCC
TS Lê Thị Cẩm Tú tại phòng làm việc. Ảnh: NVCC

TS Lê Thị Cẩm Tú sinh ra và lớn lên ở Long An. Sau khi tốt nghiệp ĐH ngành Sư phạm Vật lý tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM (năm 2010), chị tiếp tục học cao học ngành Vật lý nguyên tử, hạt nhân và năng lượng cao và nhận bằng thạc sĩ (năm 2013) cũng tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Năm 2014, chị làm nghiên cứu sinh ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) và nhận bằng tiến sĩ năm 2019. 

Chị cho biết: Trong quá trình học cao học và nghiên cứu sinh, tôi được tham gia vào nhóm nghiên cứu Vật lý nguyên tử, phân tử và quang học của GS. TSKH Lê Văn Hoàng - Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn vào tháng 4/2018, tôi trở thành nghiên cứu viên cơ hữu thuộc nhóm Vật lý nguyên tử, phân tử và quang học (AMOG) tại Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu (AIMaS), TDTU. Hiện tôi tiếp tục tham gia và hợp tác với nhóm nghiên cứu của GS. TSKH Lê Văn Hoàng, Phòng thí nghiệm Vật lý tính toán K002, Trường ĐH Sư phạm TPHCM. 

Trong cuộc đời mỗi người việc lựa chọn nghề nghiệp thường gắn liền với một nhân duyên nào đó. Với chị, việc chọn theo học ngành Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm TPHCM mang nhiều lý do. “Tôi có thiện cảm với nghề giáo từ nhỏ, trước hết vì cha tôi từng là giáo viên. Lúc tôi học cấp 1, cha là người chỉ bảo cho tôi môn Toán mỗi lần tôi đi thi học sinh giỏi.

Thêm vào đó, tôi luôn may mắn gặp được những người thầy đáng mến và đáng kính trong quãng đời học sinh của mình. Tại thời điểm làm hồ sơ thi đại học, tôi nhận thấy nghề giáo phù hợp với tính cách, khí chất và điều kiện kinh tế gia đình. Vì vậy, tôi trở thành sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM” - TS Cẩm Tú chia sẻ.

Từ SV sư phạm chọn ngã rẽ sang hướng nghiên cứu cũng là cơ duyên ngoạn mục đối với chị. “Việc gắn bó với Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, TDTU với tôi là một cơ duyên.

Trong khi phân vân có nên chọn theo “truyền thống” là trở thành giáo viên/giảng viên hay không, tôi biết đến TDTU. Sau khi tìm hiểu và nhận thấy đây là môi trường phù hợp với sở nguyện của mình, tôi quyết định thử sức với nghề nghiên cứu tại TDTU.

TDTU là một trường đại học công lập nhưng thực hiện thí điểm tự chủ nên có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học đến làm việc, do đó tạo ra môi trường học thuật, tôi nghĩ mình sẽ có cơ hội phát triển chuyên môn và có điều kiện để thực hiện niềm đam mê nghiên cứu của mình” - chị chia sẻ thêm.

PGS.TS Phạm Thanh Phong (Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) nhận xét: “Việc đoạt giải thưởng nghiên cứu trẻ của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam vừa qua không chỉ là thành tích của riêng TS Cẩm Tú mà còn là thành công, nguồn động viên rất lớn dành cho những nghiên cứu viên, nhất là nữ. Bởi trong NCKH, ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhất là trong ngành Vật lý và ở trình độ cao, số lượng nữ giới rất ít, thậm chí hiếm.

Kết quả này cũng cho thấy sự đúng đắn của nhà trường trong việc chú trọng đầu tư cho NCKH, thu hút nhiều nghiên cứu trẻ, có năng lực, có thể làm những công trình có ý nghĩa và chất lượng.

Công việc đôi lúc rất áp lực và cảm thấy mình đơn độc (không ai hiểu mình đang làm gì), vì vậy giải thưởng của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam năm 2020 là nguồn động viên lớn đối với tôi và tập thể nghiên cứu viên Viện Tiên tiến Khoa học Vật liệu, TDTU. TS Lê Thị Cẩm Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...