(GD&TĐ) - Mặc dù đang phải tất bật với kì thi hết học phần, nhưng Nguyễn Thị Thùy Chi vẫn dành cho tôi chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của mình. Là người khuyết tật làm nên những kì tích, cô sinh viên lớp k30 khoa Nhà nước & Pháp luật, Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và xúc động về tấm gương vượt khó của em.
Phòng thi đặc biệt
Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, Thùy Chi bị bệnh cứng cơ bẩm sinh, tay chân không thể cử động theo ý muốn. Bố mẹ chia tay khi em lên 4, tuổi thơ của em gắn liền với những kỉ niệm vui buồn bên bố, ông bà nội và các bác. Nhưng những bất hạnh ấy đã không làm gục ngã ý chí của Chi.
Ước mơ được biết tới con chữ và trở thành người có ích cho xã hội luôn thôi thúc Chi tới trường. Những ngày mới tới lớp, ông bà chính là đôi chân đưa Chi đi học với mong muốn mang lại niềm vui cho đứa cháu nhỏ. Lớn lên, ông bà đặt Chi lên xe lăn và đẩy em đi học. Hai chữ Gia Đình với Chi thật thiêng liêng và đầm ấm, cả khi lên lớp tình thương của thầy cô và bạn bè cũng trở thành động lực vô hình giúp em ngày càng học tiến bộ hơn.
Nụ cười lạc quan, yêu đời khiến ai đã tiếp xúc với Chi một lần khó có thể quên |
Với quyết tâm, nghị lực phi thường cùng tình yêu thương của gia đình, Chi đã làm nên những kì tích khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và xúc động về một tấm gương vượt khó của người khuyết tật. Không thể dùng đôi tay để tự di cây bút, Chi đã dùng giấy than và nhờ các bạn trong lớp khi chép bài thì đặt giấy than xuống dưới.
Về nhà, Chi tranh thủ thời gian xem lại bài vở, nghiên cứu sách giáo khoa và tham khảo tài liệu. Chính vì vậy, nhiều năm liền Chi là học sinh giỏi của trường và là một tấm gương sáng để bạn bè noi theo. Lớp 11, Chi được chương trình “Hành trình kết nối những trái tim” trao tặng một chiếc máy tính. Nhờ vào nó mà việc học của Chi phần nào dễ dàng hơn.
Và Chi đã ghi tên mình vào danh sách sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội, khoa Nhà nước & Pháp luật trong kì thi tuyển sinh năm học 2010 – 2011 khi đỗ NV2. Một phòng thi đặc biệt và cũng là trường hợp đầu tiên của NKT liệt tay được tổ chức phòng thi riêng, có 3 giám thị, 1 máy quay. Chi đọc bài cho giám thị 1 chép, giám thị 2 ghi âm và quay camera, giám thị 3 giám sát chung. Cuối giờ, Chi đọc kiểm tra lại bài làm của mình. Và ước mơ được lên giảng đường đại học của cô gái nhỏ đã thành hiện thực giống như bó hoa thay lời tri ân em gửi tới những người thân yêu.
Những ước mơ nuôi dưỡng nghị lực sống
Những ngày phải sống xa gia đình, không có ông bà làm đôi chân đưa đi học, không có lời dặn dò, khuyên bảo thường xuyên của người thân, nhưng cô gái quê Lào Cai – Nguyễn Thị Thùy Chi vẫn luôn dặn mình phải sống sao cho xứng với sự kì vọng của mọi người.
Và đâu đó xung quanh em còn rất nhiều những tấm gương NKT để Chi học tập và noi theo. Hiện Chi là thành viên của Trung tâm sống độc lập Hà Nội. Chi tìm đến với Trung tâm sống giống như một cái duyên để từ đó em có thêm điều kiện khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt và mọi công việc thường ngày. Chi còn được tham gia những buổi sinh hoạt tập thể, Tư vấn đồng cảnh với những con người “tàn nhưng không phế” đi trước ở Trung tâm sống độc lập,… Ngòi bút văn thơ của em cũng được chắp cánh và có hồn hơn với những câu thơ mượt mà, giàu cảm xúc.
“Chi để lại cho mình rất nhiều ấn tượng ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên. Sự lạc quan, yêu đời và nụ cười giòn tan đã tạo nên một Thùy Chi với nhiều nét riêng biệt. Mình còn giữ rất nhiều bài thơ của Chi, những bài thơ không chỉ đi ra từ cuộc sống mà nó còn nói lên được tâm tư, nguyện vọng của rất nhiều người” – Anh Vũ Anh Tú (thành viên Trung Tâm sống độc lập Hà Nội) kể tôi nghe những cảm xúc khó quên của anh về Chi.
Thùy chi tham gia bầu cử tại Học viện Báo chí Tuyên truyền HN |
Tham gia buổi giao lưu nghệ thuật “Một trái tim một thế giới” nhân kỷ niệm ngày khuyết tật Việt Nam, ước mơ của cô bé Chi đã khiến nhiều người không khỏi xúc động: Ước mơ trở thành một nhà quản lý giỏi, ước mơ về cuộc sống hòa nhập cộng đồng của NKT và những mái nhà chung cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, người không nơi nương tựa,…
Chính những ước mơ đó đã không ngừng thôi thúc Chi học tập. Chi tự tìm cho mình những phương pháp học mới để có thể theo kịp bạn bè. Ngoài cách nhờ bạn bè đặt tờ giấy than ghi bài, em còn dùng máy ghi âm để ghi lại lời giảng của thày cô trên lớp. Sự cần mẫn, chăm chỉ của em một lần nữa được đền đáp. Với điểm tổng kết 7.26, Chi là 1 trong 4 thành viên của lớp nhận được học bổng học kì I năm học 2010 – 2011. Với Chi, những kiến thức mà em có được chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì thực tế đang dạy cho em.
Đến với môn học mới, Chi lại tìm được cho mình niềm đam mê mới. Có thể mỗi người sẽ có những cách tiếp cận để theo đuổi mơ ước khác nhau nhưng với Chi cái cuối cùng để đánh giá sự thành công chính là kết quả mà mỗi người mang lại.
Căn phòng kí túc 115 nhà A1, Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội, đã trở thành ngôi nhà thứ hai gắn bó với Chi trong suốt năm học qua. Những buổi chiều muộn, khi trở về nhà, căn phòng bỗng trở nên đông vui và đầm ấm hơn với thân hình nhỏ bé, đôi mắt sáng và đôi môi luôn nở nụ cười lạc quan của Thùy Chi.
Chi cho biết, em vừa trải qua những ngày tham gia lớp học nghiệp vụ báo chí. Những ngày được đi thực tế tại Tam Đảo đã cho Chi thêm nhiều kinh nghiệm sống và những mối quan hệ bạn bè mà Chi luôn dặn lòng “phải trân trọng và coi đó là một thứ tình cảm rất thiêng liêng”. Chi kể tôi nghe cái cảm giác đi xe ô tô để được tận hưởng cảm giác bồng bềnh mà mỗi lần xe nghiêng men theo đường cua, hay leo dốc, cả cơ thể của em cũng như nghiêng theo độ dốc đó và chạm cả vào thành ghế, cái cảm giác của một cô bé sinh ra nơi núi rừng nhưng lại chưa bao giờ có được… Và sau chuyến đi thực tế này, Chi sẽ cho ra đời những tác phẩm thơ mới cùng những bức ảnh ghi lại từng khoảnh khắc của chuyến đi.
Trước khi chia tay Chi, tôi có hỏi em về ước mơ của mình, vẫn là nụ cười lạc quan cùng những ước mơ cháy bỏng mà em đã chia sẻ trong buổi giao lưu nghệ thuật “Một trái tim một thế giới”. Chi còn ước mơ mô hình Trung tâm sống độc lập sẽ không ngừng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam cả về quy mô và chất lượng để hỗ trợ NKT có thêm sự tự tin và điều kiện đi tìm tiếng nói của chính mình. Trở thành một thành viên của Trung tâm, Chi đã trở nên chủ động nhiều hơn trong cuộc sống và học tập do có sự hỗ trợ của người trợ giúp cá nhân trong các hoạt động hằng ngày.
Thêm một tấm gương sáng về NKT, thêm một câu chuyện cổ tích được viết nên, để lại thêm một niềm trăn trở cho mỗi chúng ta. Những mảnh đời ấy luôn cần có bàn tay của cộng đồng xã hội để họ vững bước đi lên trở thành người có ích cho xã hội.
Nguyễn Huệ