Thú vị ý tưởng dạy Sử bằng... game, giúp học sinh PTTH trải nghiệm làm sinh viên

GD&TĐ - Cùng nghiên cứu công trình dự thi “tri thức trẻ vì giáo dục”, Nguyễn Phúc Minh, Nguyễn Thiên Phước - sinh viên trường Đại học An Giang đã mang đến những ý tưởng sáng tạo đầy thú vị...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức thu hút đông đảo hồ sơ tham gia.

Dạy học bằng tư liệu có video

Nguyễn Phúc Minh, trường Đại học An Giang đã đưa ra ý tưởng là việc thay đổi phương pháp học bằng tư liệu video hoặc hình thức chơi game, giúp học sinh có thêm hứng thú cũng như thay đổi phương pháp học hợp lí.

Minh chia sẻ: “Thời gian dịch bệnh Covid 19 vừa qua, em rút ra một điều là học sinh khi nghỉ dịch luôn mong đợi đến ngày vào trường học lại, mà ít khi có thể tự học ở nhà. Cùng lúc đó em nảy ra ý tưởng làm sao có thể có một kho tàng lưu trữ các tư liệu học các môn từ A-Z cho học sinh mà không cần phải đến trường trong trường hợp bất khả kháng”.

Minh cho biết thêm, thông qua các hình thức dạy bằng tập sách trên trường thì nay em muốn bổ sung một cách dạy mới bằng tư liệu video. Hình thức này có ưu điểm là nhấn mạnh bài học một cách mạch lạc và rõ ràng hơn, giúp các bạn có chiều sâu về cách suy nghĩ hơn.

Điển hình cho cách dạy này là môn Sử, thông thường phải học rất nhiều kiến thức cần nhớ, nào là năm, sự kiện, tên nhân vật... Áp dụng phương pháp này, học sinh có thể mường tượng hơn về các sự kiện lịch sử, hoặc nó có thể mô phỏng lại các trận chiến tranh ông cha ta đánh giặc thế nào, năm đó ai là người lãnh đạo và công cụ đánh giặc ra sao....

Hoặc việc chơi các game có liên quan về kiến thức sẽ tạo thêm cách nhớ mới cho học sinh nhớ lâu hơn, giúp học sinh có thêm hứng thú học hỏi hơn là phải ôm đống bài tập về nhà như bị ép học, điều này khiến học sinh không được thoải mái.

Mỗi bài học là một video về lịch sử giúp chúng ta có một kho tàng lưu trữ kiến thức bằng công nghệ cho con cháu sau này.

Theo tác giả công trình, phương pháp sẽ khiến học sinh chủ động và lắng nghe nhiều, thậm chí học sinh cũng thể tự mò đến tư liệu này xem hơn là phương pháp dạy truyền miệng hoặc trình chiếu powerpoint.

Các games về lịch sử hoặc các môn học khác giúp học sinh tránh xa được tình trạng chơi game bạo lực và áp dụng được giáo dục trong thời đại công nghệ mới 4.0.

Tuy nhiên để thực hiện công trình cần tốn rất nhiều tiền và công sức, nhưng bù lại giúp tiết kiệm thời gian dạy sau này, giúp các bạn có thêm những trải nghiệm mới mẻ qua từng môn học và có được kho tàng trữ giáo dục. 

Mạnh dạn tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì Giáo dục”, Minh cho biết: “Đây là sân chơi trí tuệ giúp mọi người cùng đem những sáng kiến của mình đóng góp công sức vào nền giáo dục nước nhà. Em cũng hiểu được hàng năm có rất nhiều công trình có ý nghĩa lớn được gửi đến dự thi, vì vậy, điều em mong mỏi nhất chính là được học hỏi kinh nghiệm cũng như được mở mang kiến thức về các lĩnh vực khoa học”.

Trải nghiệm làm sinh viên từ khi học phổ thông

Ngoài ra, trường Đại học An Giang cũng có sinh viên Nguyễn Thiên Phước với nghiên cứu chương trình thực hiện khóa học trải nghiệm làm sinh viên dành cho các bạn Trung học phổ thông

Phước cho biết: Hiện nay, môi trường bậc Đại học – Cao đẳng rất khác biệt so với môi trường học tại bậc Trung học phổ thông, dẫn đến một hệ lụy vô cùng to lớn là các học sinh sau khi đậu vào các trường Đại học chưa thích nghi kịp với việc đổi mới cách học tập và nghiên cứu cho nên nhiều bạn bị sa sút học tập, chán học, bỏ học…

Bên cạnh đó, nhiều học sinh hiện nay chưa định hướng được ngành nghề của bản thân, dẫn đến việc chọn không đúng theo sở thích, đúng với năng lực của bản thân, cuối cùng là các bạn chọn sai ngành nghề.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến các bạn sinh viên không thể chọn đúng được ngành nghề mà mình yêu thích và phù hợp với năng lực bản thân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là các bạn thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về các ngành nghề mà các bạn yêu thích.

Do đó chương trình “thực hiện khóa học trải nghiệm làm sinh viên dành cho các bạn Trung học phổ thông” là rất cần thiết hiện nay để các học sinh trung học phổ thông hình dung được cách học tại giảng đường Đại học – Cao đẳng là như thế nào, và các học sinh tin chắc rằng sẽ chọn đúng ngành nghề mà các bạn yêu thích và phù hợp với năng lực thực tế của bản thân sau khi trải qua lớp học này.

Theo đó, ý tưởng công trình là mở các lớp cho các học sinh Trung học phổ thông trải nghiệm một ngày học tập làm sinh viên như thế nào.

Tiến hành chia nhóm các học sinh, bên cạnh đó có thể nhờ các bạn sinh viên năm 3, năm 4 cùng tham gia để có thể hướng dẫn các bạn học sinh thực hiện tốt nhất, sau đó đặt vấn đề cho từng nhóm để các bạn cùng trải nghiệm công việc học nhóm, cách thức các bạn tìm hiểu tài liệu ở các nguồn khác nhau để giải quyết vấn đề, cùng nhau thực hiện một bài báo cáo nhỏ để trình bày trước tập thể mọi người để rèn luyện kỹ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông, giúp các bạn học sinh hiểu được một phần nào của việc học tập trên giảng đường Đại học – Cao đẳng.

Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho các học sinh Trung học phổ thông thử học tập ở một số môn chuyên ngành cùng các  bạn sinh viên năm 3, năm 4 để các bạn có thể biết rõ được ngành nghề mình định theo học, biết được cách học tập ở các ngành nghề đó, để bản thân tự xây dựng kiến thức nền.

Thông qua việc học tập một số môn chuyên ngành có thể giúp các bạn học sinh trung học phổ thông biết được rằng ngành nghề này có thật sự phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, để các bạn có thể chọn cho bản thân đúng ngành nghề.

Bên cạnh đó khi tham gia khóa học này, các bạn học sinh trung học phổ thông học tập được nhiều kỹ năng quan trọng, giúp ích cho việc học của bản thân sau này như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...