13 công trình Tri thức trẻ vì Giáo dục tranh tài vòng chung kết

GD&TĐ -13 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất tại vòng sơ khảo Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2019 đã bước vào cuộc tranh tài cuối cùng – vòng thi Chung khảo để chọn ra công trình tiêu biểu nhất.

BGK đánh giá cao những sáng tạo về Giáo dục của các tác giả.
BGK đánh giá cao những sáng tạo về Giáo dục của các tác giả.

Danh sách hội đồng chung khảo năm nay gồm các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ: TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và lần đầu tiên có sự góp mặt của PGS.TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Buổi chấm giải diễn ra từ 8h30 đến 17h00 với sự tham gia tranh tài của hơn 13 tác giả/ nhóm tác giả của 13 công trình, sáng kiến đã được chọn ra từ vòng chấm sơ khảo.

Hội đồng giám khảo sẽ công tâm chọn ra 5 công trình, sáng kiến “vì giáo dụcxuất sắc nhất để trao Kỷ niệm chương "Tuổi trẻ sáng tạo" của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và tiền mặt 100 triệu đồng. 

Tại buổi chấm chung khảo, PGS - TS Phạm Kim Chung, Phó chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá cao sự tham gia của các trí thức trẻ vào việc đổi mới giáo dục.

Ông Chung nói: “Về công nghệ, chúng ta đã có hiệu ứng, đôi khi thế hệ trẻ nhạy bén hơn, đây là điều rất vui mừng vì đây là thế hệ tương lai sẽ phát triển công nghệ cho đất nước. Một điều nữa là tăng sự sáng tạo của các em, thay vì ngồi học ở sách vở không thôi, các em đã sẵn sàng có những sáng tạo ứng dụng trong thực tiễn”.

PGS -TS Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đánh giá đối với công trình trong năm nay, bám sát thực tiễn giáo dục Việt Nam, tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể, từ việc bồi dưỡng giáo viên, giáo dục nghề, nâng cao hoạt động cho các em khuyết tật có tính nhân văn rất cao.

Chất lượng các công trình đảm bảo tiêu chí cuộc thi đặt ra. Tuy nhiên, ông Biên cho rằng, nếu công trình được thí sinh bám sát vào những phương pháp nghiên cứu của khoa học giáo dục sẽ làm rõ hơn tính mới, tính sáng tạo, những giải pháp có tính thực tiễn đối với khoa học, giáo dục hơn.

Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, ngoài hội đồng chuyên môn, ban tổ chức cần mời các nhà đầu tư quan tâm đến giới trẻ, công nghệ, nếu thấy sản phẩm tốt họ sẵn sàng đầu tư để phát triển công nghệ của mình.

“Nếu các nhà đầu tư nghe thấy sản phẩm hay, họ tiếp xúc sẽ sẵn sàng đầu tư, sản xuất hàng loạt được. Thiếu vắng đầu tư, trí thức trẻ không biết làm thế nào để tiếp tục. Ban tổ chức nên mời doanh nghiệp với tư cách nhà đầu tư, ngồi với hội đồng để đánh giá mức độ khả thi của sản phẩm để đầu tư”, ông Quân nói. 

Bước sang năm thứ 4, chương trình Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục nhận được 539 hồ sơ công trình, sáng kiến gửi về tham dự từ nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có 274 công trình, sáng kiến thuộc nhóm chủ đề đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả, 141 công trình, sáng kiến thiên về sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy, học tập và 124 công trình, sáng kiến đưa ra những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Năm nay, ngoài tối đa 5 công trình, sáng kiến đoạt giải thưởng xuất sắc nhất, các công trình lọt vào vòng chung kết sẽ đồng thời được nhận giải "Cống hiến" gồm bằng khen của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiền thưởng 10 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình còn trao nhiều giải thưởng phụ với giá trị 2-5 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ