Thủ tướng Netanyahu vỡ kế hoạch dùng IDF cai quản Dải Gaza

GD&TĐ - Theo chuyên gia, các quan chức Tel Aviv muốn thành lập một chính phủ quân sự do IDF lãnh đạo để quản lý Dải Gaza sau khi xung đột với Hamas kết thúc.

Thủ tướng Netanyahu vỡ kế hoạch dùng IDF cai quản Dải Gaza

Một nhà cựu nhà lập pháp Israel tuyên bố, Thủ tướng Netanyahu muốn có một chính phủ quân sự Israel ở Gaza nhưng kế hoạch của ông được cho là đã bị hủy bỏ, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, với sự ủng hộ hoàn toàn từ Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi, đã phủ quyết nó.

Cựu Phó Thủ tướng (2007-2009) và Bộ trưởng của nhiều bộ trong chính phủ Israel là ông Haim Ramon đã viết trên tài khoản X của ông hôm 03/4 rằng, giới đầu não chính trị Israel quan tâm đến việc thành lập một chính phủ quân sự do IDF lãnh đạo ở Dải Gaza sau khi kết thúc cuộc chiến với Hamas, nhưng trớ trêu thay, điều này lại không được giới lãnh đạo Quân đội ủng hộ.

Haim Ramon viết rằng, ông gần đây mới biết rằng, sở dĩ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang xem xét lựa chọn này do Israel thất bại trong việc tìm kiếm các gia tộc Palestine địa phương sẵn sàng tham gia điều phối cung cấp viện trợ cho dân thường ở Dải Gaza.

Tờ Jerusalem Post trước đó đã đưa tin rằng, Israel tin rằng, các gia tộc lớn ở Gaza, về cơ bản là những gia đình có ảnh hưởng ở một số khu vực nhất định ở dải đất này, có thể đóng một vai trò nào đó ở những khu vực mà Hamas đã bị đánh bại và có khoảng trống quyền lực.

Truyền thông Ả Rập tháng trước cũng đưa tin rằng IDF đã bắt đầu thực hiện các bước để đánh giá và tìm kiếm sự ủng hộ của các gia tộc địa phương ở Dải Gaza không có quan hệ với Hamas.

Theo tờ Asharq Al-Awsat, người đứng đầu Điều phối viên các hoạt động của Chính phủ tại các vùng lãnh thổ (COGAT), Thiếu tướng Ghassan Alian, đã liên hệ với các lãnh đạo địa phương không liên kết với Hamas để tổ chức bảo vệ các đoàn xe viện trợ nhân đạo, trước các nhóm vũ trang địa phương.

Báo cáo cho biết, hầu hết các phe phái đều từ chối, chỉ có một gia tộc lớn được cho là đã đồng ý và một gia tộc khác đang xem xét đề xuất. Nếu chỉ có 2 gia tộc này hưởng ứng sự kêu gọi của Israel thì việc bảo vệ các đoàn xe chở viện trợ nhân đạo sẽ rất khó khăn, nếu Quân đội Israel không trực tiếp nhúng tay vào.

Theo Ramon, Thủ tướng Netanyahu đã tiếp cận COGAT với ý tưởng thành lập chính phủ quân sự ở Gaza nhưng ông đã không thành công. Kế hoạch này đã bị hủy bỏ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, với sự ủng hộ hoàn toàn từ Tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi, đã phủ quyết nó.

Bình luận về điều này, ông Haim Ramon đã chê trách Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant là “thiển cận và bướng bỉnh”. Ông này đã áp dụng quyền phủ quyết, để bác bỏ kế hoạch của người đứng đầu chính phủ.

Theo Ramon, việc Gallant từ chối lời kêu gọi tiếp tục hiện diện quân sự của Israel ở Gaza đã đặt Israel vào thế bế tắc, trước sự sụp đổ của chế độ cai trị dân sự của Hamas ở Dải Gaza, trong khi Tel Aviv đã loại bỏ sự can dự của Chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây, với lí do là “không phù hợp”.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của ông Haim Ramon, một số chuyên gia phân tích khác lại cho rằng chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel mới là người sáng suốt khi bác bỏ đề xuất của ông Netanyahu.

Nếu Israel thành lập chính phủ quân sự của Israel và bãi bỏ quyền lãnh đạo của PA ở Gaza, hành động của nước này không khác gì một cuộc chiến tranh xâm lược và cai trị vùng đất của người Palestine, mất đi những thiện cảm cuối cùng mà họ nhận được sau vụ tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

Hành động trái với nguyên tắc “Hai Nhà nước” được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế công nhận sẽ khiến Israel vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ hơn và cả sự cô lập của cộng đồng quốc tế, thậm chí là sự tẩy chay của cả một số đồng minh Ả rập mà họ mới kết giao được.

Như vậy, kế hoạch của Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực sự “lợi bất cập hại” chứ không hề “sáng suốt” như ông Ramon đã ca ngợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian