Theo giới phân tích Mỹ, đã đến lúc chính quyền Washington giảm vai trò ở Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, hạ cấp vị thế của NATO từ một tổ chức toàn cầu xuống một tổ chức khu vực và trao quyền bảo đảm an ninh ở châu Âu cho 3 đồng minh lớn là Anh, Pháp và Đức.
Nhà báo chính trị Mỹ Micah Meadowcroft theo trường phái bảo thủ mới đây đã cho biết, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ càng đến gần, các phương tiện truyền thông Mỹ càng xuất hiện thường xuyên hơn những thông tin về việc giảm mức độ tham gia của Washington vào các hoạt động của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Nguyên nhân là do cựu Tổng thống Donald Trump vẫn là ứng cử viên được yêu thích trong cuộc đua giành chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng, mà ông này là người đã nhiều lần tuyên bố về lộ trình đưa Hoa Kỳ rời khỏi NATO.
Do đó, ông Micah Meadowcroft đã đưa ra gợi ý về “một con đường mềm mại” để Mỹ rút khỏi vị trí lãnh đạo NATO hay chí ít là san sẻ bớt gánh nặng cho các đồng minh lớn ở châu Âu.
Ấn phẩm chỉ ra rằng, Washington nên cho phép châu Âu tự đảm bảo an ninh của mình một cách độc lập, vì tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ.
Nhà khoa học chính trị Mỹ cho biết thêm, trong trường hợp này, vị thế của liên minh sẽ bị giáng từ cấp độ của “một thể chế toàn cầu quan trọng nhất” xuống cấp độ của “một thể chế khu vực”.
Nhà chính trị thuộc trường phái Bảo thủ Mỹ gợi ý rằng, Washington có thể chuyển giao quyền lãnh đạo NATO cho Pháp, Đức và Anh, và ủy thác cho họ đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho biên giới phía đông của liên minh.
Ông nhấn mạnh rằng, Pháp luôn mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong NATO nhưng điều này đã nhiều lần bị mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ cản trở.
Việc để bộ ba Pháp-Đức-Anh hỗ trợ các quốc gia biên giới phía đông của liên minh sẽ là công cụ duy trì hòa bình trong tương lai gần. Việc san sẻ trách nhiệm như vậy sẽ cho phép Mỹ tập trung vào mối đe dọa chính không đến từ Moscow mà đến từ châu Á.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất khả năng đưa lực lượng quân sự từ các nước phương Tây vào Ukraine, nhưng không nhận được sự ủng hộ từ đại diện NATO và cũng không một quốc gia đơn lẻ nào trong khối nhận lời gửi nhân lực tới giúp đỡ Quân đội Ukraine.
Tuy nhiên mới đây người đứng đầu Bộ Quốc phòng Estonia đã để ngỏ khả năng đưa binh sĩ châu Âu thuộc NATO tới Ukraine, nhưng ông cho biết thêm rằng, quân nhân châu Âu ở Ukraine sẽ không xuống chiến hào để chiến đấu trực tiếp.
Theo người đứng đầu bộ quốc phòng Estonia là ông Hanno Pevkur, cho biết đại diện của mỗi quốc gia NATO nên có mặt trên lãnh thổ Ukraine, nhưng họ không tham gia vào các cuộc chiến thực sự. Tùy chọn này đã bị loại trừ hoàn toàn, bởi NATO không phải là bên tham chiến với Nga.