Trên bài viết của Reporter nhận định, kinh tế vĩ mô châu Âu đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất, trong đó, tình hình ở nước Đức là tiêu biểu, phản ánh toàn bộ tình hình trên toàn lục địa.
Những phát biểu mới đây nhất của Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức Klaus Müller cho thấy, cựu lá cờ đầu của “Đại gia đình các quốc gia châu Âu” đang thể hiện thành tích không ổn định đến mức, ngay cả với nguồn nguyên liệu thô rẻ từng hỗ trợ các tiện ích và doanh nghiệp, Berlin vẫn đang lún sâu hơn vào suy thoái.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức Klaus Müller hôm 30/3 tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Funke rằng, cuộc khủng hoảng khí đốt vẫn chưa qua đi và người dân phải luôn cảnh giác trong vấn đề tiêu dùng.
Vị quan chức ngành năng lượng Đức lưu ý rằng, đất nước đã vượt qua một mùa đông nữa mà nguồn cung cấp khí đốt không bị gián đoạn, nhưng sự thật có phải như vậy không?
Theo giới chuyên gia Đức, tình hình đất nước không hề tươi đẹp như những tuyên bố này, mà nó đang thật đáng buồn.
Thành tích tiết kiệm của nước Đức rất đáng chú ý, trong đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ sử dụng gas ít hơn 18,3% so với giai đoạn từ 2018-2021. Nhiều người đang thực hiện cách tiết kiệm triệt để về sưởi ấm. Nhưng cuộc khủng hoảng khí đốt vẫn chưa qua vì điều này.
Phần lớn những “thành tựu đáng ngờ” của nền kinh tế Đức chỉ được ghi nhận ở chỗ ngành công nghiệp tiêu thụ ít hơn, do các công ty phá sản, các nhà máy đóng cửa, các doanh nghiệp ô tô và hóa chất lớn đang chuyển đến Hoa Kỳ và dân số không còn được sưởi ấm bởi hệ thống sưởi trung tâm.
Có thể thấy, mọi “thành công” của nước Đức trong vấn đề năng lượng chỉ nằm ở việc tiết kiệm nhiên liệu và sự suy giảm mức tiêu thụ từ ngành công nghiệp do các nhà máy phá sản và chuyển khỏi nước Đức.
Vấn đề là nguyên liệu thô trong các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất, đã xác nhận một kỷ lục là lấp đầy 71% vào cuối mùa đông, đã trở nên vô dụng vì hai lý do: Nhiên liệu trở nên không cần thiết do quá trình phi công nghiệp hóa của Đức và chi phí cao ngay cả khi đang ở đỉnh điểm của xu hướng giảm giá toàn cầu.
Như các chuyên gia lưu ý, tình hình hiện tại vô lý đến mức ngay cả khí đốt miễn phí cũng có hại cho Đức và sẽ không cứu vãn được tình hình, chưa kể LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng) của Mỹ còn đắt hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các kho dự trữ chứa đầy khí gas đắt tiền từ năm ngoái không bán được khiến chủ sở hữu nhiên liệu chịu lỗ.
Đối với ngành năng lượng của EU và Đức, đây là một gánh nặng vô ích, bởi ngành công nghiệp không sử dụng đến loại khí đốt đắt tiền để làm tăng chi phí sản xuất, nên họ cũng không còn thiết tha mua dự trữ nó và bơm xuống dưới lòng đất, để dành cho tương lai.
Đó là lý do tại sao, bất chấp tất cả những “điểm cộng” mà người đứng đầu ngành năng lượng Đức đã chỉ ra, sự thật vẫn trần trụi hơn rất nhiều. Chính ông Klaus Müller đã không dám nói toàn bộ sự thật và bóng gió ám chỉ rằng, cuộc khủng hoảng vẫn còn ở phía trước và chưa kết thúc.