Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler đã đề cập đến các vấn đề gây căng thẳng giữa nước này với Mỹ trong cuộc họp thường niên với các nhà báo hôm 16/12, đặc biệt là thảo luận về hệ thống tên lửa tầm xa S-400 được mua từ Nga.
Ông Guler khéo léo xác nhận rằng, hệ thống S-400 sẽ được sử dụng khi cần thiết.
“Đây là một hệ thống phòng thủ. Chúng ta không sử dụng vũ khí phòng thủ khi ai đó tấn công chúng ta sao? Không quốc gia nào tấn công quốc gia khác bằng cách tuyên bố: ‘Tôi sẽ tấn công bạn sau hai giờ nữa’.
Trong kịch bản thời chiến, bạn cần phải di chuyển máy bay của mình, vận hành hàng trăm chuyến tàu và tuyên bố huy động, v.v. Nói cách khác, để một quốc gia tiến hành một cuộc không kích vào quốc gia khác mà không bị ai phát hiện là rất khó khăn”, ông Guler nói với các nhà báo.
Năm 2021, chính quyền Mỹ chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình Máy bay chiến đấu F-35 do Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga vào năm 2017.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó tuyên bố Ankara đã trả 1,25 tỷ USD để tham gia chương trình F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ, một phần của chuỗi cung ứng sản xuất F-35, dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 9 tỷ USD. Ngoài ra, sáu máy bay F-35 được sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được Mỹ giao hàng.
Ankara đã trả khoảng 2,5 tỷ USD cho Moscow để mua lô S-400 đầu tiên.
Các chuyên gia ước tính rằng, Ankara đã thiệt hại 13 tỷ USD cho đến nay do hệ thống S-400 chưa hoạt động.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách chuyển hướng số tiền được phân bổ ban đầu cho chương trình F-35 sang việc mua máy bay chiến đấu F-16 mới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Mỹ thiếu rõ ràng.
Mỹ cũng kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán F-16, làm tăng thêm sự phức tạp cho các cuộc đàm phán.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thông qua những thỏa thuận này hay không.
Nga đã gửi hai khẩu đội S-400 và hơn 120 tên lửa tầm xa như một phần của thỏa thuận cùng với các chuyên gia để huấn luyện binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cách vận hành chúng. Lô hàng thứ hai vẫn chưa được giao.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, việc kích hoạt tên lửa S-400 hoặc mua lô thứ hai sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn theo Đạo luật chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Vào ngày 14/12/2020, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ông Ismail Demir, người đứng đầu Savunma Sanayii Baskaligi (SSB) - một tổ chức dân sự do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thành lập để quản lý ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và việc cung cấp công nghệ quân sự, cùng một số quan chức khác của nước này liên quan đến việc mua sắm S-400.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang che giấu công chúng việc hệ thống S-400 chưa được kích hoạt, và cũng đang nỗ lực ngăn chặn cảm giác rằng, số tiền chi cho chúng là lãng phí.
Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ như hứa hẹn liên quan đến việc mua S-400 đã không thành hiện thực.
Trong một tuyên bố vào năm 2020, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexei Yerkhov cho biết: “Việc hệ thống S-400 có được sử dụng hay không là quyết định của quốc gia sở hữu nó. Ankara đã mua sản phẩm họ muốn từ chúng tôi.
Chủ sở hữu của hệ thống này là Thổ Nhĩ Kỳ. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì nước này quyết định. Cho dù bạn chiến đấu ở nơi nào đi chăng nữa, việc giữ nó (S-400) trong ‘gara’ là quyền của bạn”.
Trong các cuộc thảo luận về ngân sách của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc hội vào ngày 17/11/2023, ông Guler bày tỏ sự thất vọng trước câu hỏi của một nhà lập pháp đối lập về tình trạng của hệ thống S-400, lưu ý:
“Bạn nghĩ chúng tôi sẽ sử dụng nó ở đâu? Xin vui lòng, bạn không cần phải đưa ra ý kiến về mọi vấn đề, cho dù bạn có hiểu hay không. Khi chúng tôi cần hệ thống S-400, tất cả những ai thắc mắc điều gì sẽ xảy ra sẽ thấy khi chúng tôi nhấn nút”.