Kiến thức bổ trợ cần huy động, củng cố để trả lời tốt câu hỏi đọc hiểu
Thầy Trần Xuân Trà cho biết: Để trả lời tốt các câu hỏi đoc hiểu, học sinh cần huy động kiến thức nhiều phân môn, bao gồm cả tiếng Việt, Làm văn, Văn học (Lịch sử văn học, Lý luận văn học, tác phẩm văn học) và những hiểu biết xã hội liên quan tới nhiều môn khoa học khác (kiến thức tổng hợp).
Bởi vậy, học sinh cần củng cố lại các kiến thức bổ trợ cho thật vững chắc, biết vận dụng chúng vào việc trả lời có hiệu quả các câu hỏi đọc hiểu. Cụ thể là:
Phần kiến thức tiếng Việt:
Với phần này, thầy Trà lư ý, học sinh cần củng cố, ôn tập những đơn vị kiến thức cơ bản sau:
- Các biện pháp tu từ ngữ âm, như: Hài thanh; tượng thanh; điệp phụ âm đầu, điệp vần; nhịp điệu, giọng điệu và âm hưởng của câu...
- Các biện pháp tu từ từ vựng, như: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm, nói tránh, điệp từ, điệp ngữ, chơi chữ…
- Các biện pháp tu từ cú pháp, như: Ðảo ngữ; lặp cú pháp; sóng đôi cú pháp, phép liệt kê, phép chêm xen…
- Phong cách ngôn ngữ, bao gồm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính.
- Thể thơ, bao gồm: Các thể thơ dân tộc (thơ lục bát, thơ song thất lục bát, hát nói), các thể thơ Đường luật (Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thơ thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú), các thể thơ tự do, thơ văn xuôi, truyện thơ…
- Cách gieo vần: Vần chân và vần lưng, vần liền và vần cách…
- Các phép liên kết: Phép lặp, phép nối, phép thế, phép đồng nghĩa, trái nghĩa, liên tưởng…
- Nghĩa của từ và giá trị của việc sử dụng từ.
- Ngữ pháp: Các kiểu câu và tác dụng của việc sử dụng các kiểu câu.
- Hoạt động giao tiếp
- Lịch sử tiếng Việt
- Đặc điểm loại hình tiếng Việt
- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt…
Phần kiến thức Làm văn:
Với phần này, học sinh cần củng cố các đơn vị kiến thức sau:
- Các phương thức biểu đạt: thuyết minh, tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận…
- Các thao tác lập luận trong văn nghị luận: Giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…
- Các hình thức lập luận của đoạn văn.
- Các cách trình bày một đoạn văn: Diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích, tổng – phân – hợp.
- Cách viết câu văn, đoạn văn nghị luận.
Phần kiến thức văn học:
Học sinh cần củng cố các đơn vị kiến thức cơ bản sau:
- Kiến thức về Lịch sử văn học, bao gồm: Thời kỳ văn học; giai đoạn văn học; tác gia văn học.
- Kiến thức về Lý luận văn học, bao gồm: Đặc điểm ngôn từ nghệ thuật; đặc điểm về hình ảnh, hình tượng, chi tiết… nghệ thuật; đặc điểm về cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn; đặc trưng thể loại văn học; ý nghĩa văn bản; nội dung văn bản; nghệ thuật văn bản; ngôn ngữ (lời nhân vật); chủ đề văn bản; đề tài văn bản; các phương thức, điểm nhìn trần thuật…
- Kiến thức về tác phẩm văn học: Xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm…
Phần kiến thức tổng hợp:
Thầy Trần Xuân Trà lưu ý, kiến thức tổng hợp liên quan tới việc trả lời các câu hỏi đọc hiểu, nhất là những câu hỏi vận dụng, nâng cao, yêu cầu bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân về những vấn đề liên quan tới văn bản theo hướng câu hỏi mở hết sức phong phú, đa dạng thuộc đủ mọi lĩnh vực, bao gồm: tự nhiên, xã hội và tư duy khó có thể thống kê hết.
Nhưng trong đáp án, yêu cầu của đề bài ở những câu hỏi mở đều đòi hỏi người viết phải bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình sao cho không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Bởi vậy, những hiểu biết về đạo lý truyền thống, cũng như những chuẩn mực đạo đức xã hội và những hiểu biết về pháp luật là những vấn đề học sinh liên tục phải tìm hiểu, cập nhật để trả lời tốt các câu hỏi đọc hiểu, nhất là đối với các câu hỏi mở.
“Như vậy, những kiến thức bổ trợ để trả lời các câu hỏi đọc rất phong phú và đa dạng. Nếu học sinh không được củng cố và trang bị một cách đầy đủ, có hệ thống thì khó có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng trả lời các câu hỏi đọc hiểu văn bản văn học. Đây là vấn đề giáo viên cần quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ học sinh trong quá trình ôn tập” – thầy Trần Xuân Trà lưu ý.
Những kỹ năng cơ bản cần có để làm tốt câu hỏi đọc hiểu
Để trả lời tốt các câu hỏi đọc hiểu, thầy Trần Xuân Trà cho rằng, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phải biết phân lượng thời gian hợp lý để đọc và trả lời các câu hỏi (khoảng từ 20 đến 25 phút cho một ngữ liệu, tương ứng với 15% thời gian làm bài và 1,5/10 điểm toàn bài) và thực hiện các kỹ năng cơ bản sau:
Thứ nhất: Đọc lướt văn bản và hệ thống câu hỏi cuối mỗi văn bản.
Thứ 2: Đọc kỹ văn bản, gạch chân những từ ngữ, câu văn, những thông tin quan trọng liên quan tới những câu hỏi ở cuối văn bản.
Thứ 3: Huy động các kiến thức, kết hợp với những nội dung thông tin trong văn bản dự kiến trả lời các câu hỏi.
Thứ 4: Trong mỗi câu hỏi cần xác định rõ và tự trả lời nhanh những câu hỏi sau: Mục đích của câu hỏi là gì? Nội dung câu hỏi đề cập tới những kiến thức cơ bản nào? Cần trả lời như thế nào cho phù hợp?
Thứ 5: Bám sát vào nội dung, yêu cầu câu hỏi để trả lời ngắn gọn, trúng, đúng và đủ ý, tránh cách viết chung chung, không rõ ý. Kiểm tra lại câu trả lời và sửa chữa (nếu cần).
Thứ 6: Học sinh cần biết phân lượng thời gian hợp lý, rèn luyện tốt kỹ năng đọc hiểu, biết cách tư duy, huy động kiến thức trả lời câu hỏi, cộng thêm tính cẩn thận, học sinh rất dễ đạt điểm tối đa ở phần đọc hiểu.
“Đây là những nhân tố cơ bản, hết sức quan trọng giáo viên cần khắc sâu, rèn luyện cho học sinh để nâng cao năng lực và hiệu quả trả lời các câu hỏi đọc hiểu” – thầy Trà nhấn mạnh.