Thế mạnh du lịch khi được gắn mác phim trường

GD&TĐ - Điện ảnh là kênh quảng bá “vàng” cho du lịch. Đây là cách phát triển du lịch quen thuộc mà không ít các quốc gia trên thế giới cùng thử nghiệm.

Thế mạnh du lịch khi được gắn mác phim trường

Đối với một đất nước giàu tiềm năng du lịch, đang là điểm “ngắm” của các hãng phim thế giới, liệu Việt Nam có lựa chọn cho mình sự bứt phá đáng kể với ngành công nghiệp không khói này?

Cơ hội vàng cho ngành du lịch

Thực tế cho thấy, việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh đã giúp nhiều quốc gia có cơ hội giao lưu với thế giới. Rõ nét nhất là Hàn Quốc. Sau 10 năm tuyệt đối ưu tiên cho mục tiêu biến điện ảnh thành ngành công nghiệp giải trí số 1, họ đã tạo được hiệu ứng “Xem phim Hàn, dùng đồ Hàn, đi du lịch Hàn” ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Hay một nước gần kề như Thái Lan cũng nhờ quảng bá du lịch qua phim mà một năm họ thu gần 10 tỷ USD từ du lịch. Hiện có đến hơn 500 bộ phim đã được quay tại Thái Lan. Đặc biệt với bộ phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã giúp nước này tăng 10% du khách đến từ Anh quốc. Quần đảo Phi Phi thuộc Phuket sau khi bộ phim “Mission Impossible - 007” quay tại đây ngay sau đó đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.

Bộ phim “The Hangover 2” có bối cảnh chính ở Bangkok đã mang số lượng khách khổng lồ đến Bangkok. Tương tự, đảo Ko Tapu trong vịnh Phang Nga (Phuket) sau khi loạt phim “The Man with the Golden Gun” thực hiện đã mang tên đảo “James Bond” và trở thành địa điểm “phải đến” đối với rất nhiều du khách khi đến với Phuket...

Theo Cục điện ảnh Thái Lan, riêng năm 2015 nước này thu được 89 triệu USD từ hoạt động sản xuất của 274 bộ phim nước ngoài, trong đó có 63 phim truyện.

Năm 2012, hai siêu phẩm là “Taken 2” và “Skyfall” ra mắt công chúng toàn cầu. Cả hai siêu phẩm này cùng được quay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi được khởi chiếu, 2 bộ phim này đã tạo nên một làn sóng du lịch đổ về Istanbul. Và cũng nhờ các “siêu phẩm” điện ảnh mà Ấn Độ, New Zealand, Campuchia, Pháp... kiếm được bạc tỷ cho du lịch.

Với cách thức này dường như ngành du lịch của Việt Nam chưa gặp được may mắn. Cuối năm 2015, cảnh sắc độc đáo của Hang Én (hang động tự nhiên lớn thứ ba thế giới) nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và muôn hình vạn trạng những hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã trở thành xứ sở thần tiên cho cậu bé Peter Pan bay lượn trong bộ phim bom tấn Pan và vùng đất Neverland.

Thế nhưng, đến cả người Việt Nam còn khó nhận ra cảnh sắc ấy chính là quê hương mình. Bởi hình ảnh đã xử lý kỹ xảo và hơn nữa Việt Nam lại không được ghi tên trong danh sách những địa điểm quay hình khi thực hiện bộ phim. Rõ ràng chúng ta chưa chớp được cơ hội tạo nên hiện tượng “điểm đến” như các nước bạn. Và Việt Nam cũng mất đi cơ hội quảng bá hình ảnh.

Cần sự hợp tác từ hai phía

Mới đây dự án của bộ phim “Kong: Skull Island” được biết sẽ có một số cảnh quay tại Việt Nam. Hy vọng với dự án điện ảnh này sẽ giúp cho Việt Nam được bạn bè trên thế giới biết đến nhiều hơn. Đây là dự án mới về nhân vật quái vật huyền thoại King Kong, kể về nguồn gốc ra đời của loài sinh vật này.

Phim lấy bối cảnh thập niên 1970 ở Detroit (Mỹ) rồi dẫn dắt người xem dõi theo hành trình tìm về quê hương của chúa tể các loài vượn khổng lồ. Tại Mỹ, “Kong: Skull Island” được quay ở Kualoa Ranch tại Oahu, Hawaii - từng là bối cảnh của “Jurassic World”. Tại Úc, phim chủ yếu quay tại bang Queensland - nơi có nhiều chính sách mở để thu hút các dự án phim.

Với những địa danh nổi tiếng tại Tràng An, khu Tam Cốc Bích Động (Ninh Bình), hồ Yên Phú, hang Chuột, Thung Lũng Chà Nòi (Quảng Bình) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Việt Nam đang được xem là phim trường mới với sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các nhà làm phim Hollywood.

Theo ông Vogt-Roberts, đạo diễn của bộ phim King Kong thì: “Những người đi xem Jurassic Park đều nhớ đến Hawaii, xem Lords of the Rings đều nhớ đến New Zealand bởi những nơi này có cảnh đẹp choáng ngợp. Việt Nam có những phong cảnh núi non và hang động đẹp như siêu thực.

Chúng tôi chọn làm Kong: Skull Island ở đây bởi muốn Việt Nam hiện lên cũng phải như trong Lord of the Rings. Chúng tôi muốn Việt Nam lên hình sẽ thực sự khác biệt, gây ấn tượng tới nỗi người xem ở các nơi trên thế giới phải trầm trồ hỏi nhau đó là đâu và họ thực sự muốn đến đây sau khi xem phim”.

Tuy nhiên, để Việt Nam được lựa chọn là nơi khởi quay những thước phim trong dự án phim mang tầm vóc quốc tế và được thế giới ghi nhận với tư cách là địa chỉ những cảnh quay mãn nhãn còn là hành trình đầy thách thức.

Mong sao với dự án phim “Kong: Skull Island”, ngành điện ảnh và du lịch Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội, cùng biết hợp tác lại để quảng bá vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nhằm mang lại những lợi ích vàng cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.