Thế hệ trẻ phát huy nghề Thêu truyền thống

Thế hệ trẻ phát huy nghề Thêu truyền thống
(GD&TĐ)- Khôi phục nghề truyền thống không chỉ nhằm giữ gìn nghề của cha ông mà còn là một cách làm tốt thu hút lao động nông thôn, đặc biệt là lao động trẻ. Nghề thêu ở huyện Thường Tín đang trên đà phát triển và thu hút nhiều lao động tham gia, đặc biệt là lao động trẻ. Đây là điều mà không phải làng nghề thủ công truyền thống nào cũng có được và việc giữ gìn, phát triển nghề trong thế ổn định là điều mà bất cứ làng nghề nào cũng mong đợi. 
Thế hệ trẻ phát huy nghề Thêu truyền thống ảnh 1
Một cuộc thi thêu do huyện Đoàn Thường Tín tổ chức cho các bạn trẻ đua tài. Ảnh, gdtd.vn
Nằm ở cửa ngõ phía nam Thủ đô, huyện Thường Tín là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc, vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện, trong đó có 43 làng được công nhận làng nghề cấp thành phố như các làng thêu ở Thắng Lợi, Quất Động, làng sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái), làng tiện Nhị Khê, làng mây tre đan Ninh Sở (xã Ninh Sở), làng đá Hiền Giang (xã Hiền Giang).... Riêng đối với nghề thêu đã có có tuổi đời hàng trăm năm và được truyền qua nhiều đời. Nổi tiếng nhất là các làng nghề thêu Thắng Lợi, Quất Động, Tam Xá.
Thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề cho các thế hệ trẻ là việc mà những nghệ nhân thêu tâm huyết. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường các bạn thanh niên đã được dạy nghề. Kết hợp với sự giáo dục của gia đình, tự bản thân mỗi người cũng phải rèn dũa cho mình thói quen cũng như niềm đam mê nghề truyền thống gia đình. Do vậy mỗi người phải biết làm những sản phẩm thêu đơn giản nhất.
Quan điểm của ông chủ hiệu thêu Xuân Nguyên, huyện Thường Tín về việc giữ gìn nghề thêu chính là giáo dục ý thức và trách nhiệm tinh thần cho thế hệ trẻ đối với nghề truyền thống của cha ông mình.
Ông Nguyên cho biết: “Có những cái không đem lại kinh tế mưu sinh một cách nhiều nhưng lại có tính thuyết phục thì người ta sẽ theo. Giá trị tinh thần lớn hơn giá trị vật chất trong lĩnh vực nghề thêu này. Nghề thêu là nghề truyền thống, rất lành mạnh, chiếm nhiều thời gian để làm việc nên đỡ ảnh hưởng vào tệ nạn xã hội, nhất là lứa tuổi thanh niên”.
Sản phẩm thêu là sự thể hiện một cách phong phú, mang tính nghệ thuật cao mà nghệ nhân chính là người nghệ sĩ đóng vai trò chính yếu tạo nên sự thành công đó. Sự sáng tạo liên tục của một tâm hồn nhạy cảm và đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ sẽ cho ra đời một linh hồn mang thần sắc riêng trong một đời sống mới.
Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Những bức tranh thêu của các làng nghề nơi đây đã khẳng định được uy tín của mình. 
Tuy nhiên, nghề thêu tay truyền thống thực sự sống và phát triển khi nó luôn bảo lưu những tinh túy của nghề và phù hợp với nhu cầu của đời sống hiện đại của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nghề còn gắn bó mật thiết với người thợ - nghệ nhân, khi nghề có chỗ đứng, có thị trường tiêu thụ thì người thợ thêu mới thực sự sống được với chính nghề của mình, hay có thêm thu nhập mùa vụ với nghề thêu.
Để giữ gìn và phát triển nghề trong thế ổn định, những người tâm huyết với nghề thêu trong làng đang tích cực xây dựng hiệp hội làng nghề thêu của địa phương, tạo nên những bước phát triển bền vững cho làng thêu của mình. Xã Thắng Lợi đã thành lập một Câu lạc bộ (CLB) thêu do anh Vũ Văn Hải làm chủ nhiệm.
Anh Hải cho biết, ngay tại cửa hàng Embroidery do anh làm chủ, mỗi tháng CLB mở hai lớp dạy nghề miễn phí do các nghệ nhân trong xã giảng dạy cho mọi đối tượng ở địa phương; mỗi lớp khoảng 50 người, phần đông là lớp trẻ.
Việc làm này đã giúp những người có tình yêu với nghề thêu tiếp cận được với nghề một cách ngắn nhất để làm ra những sản phẩm có tiếng trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Với anh Khúc Văn Huynh- người đạt giải bàn tay vàng hội thi nghề thêu truyền thống 2010 của Huyện Thường Tín thì tình yêu nghề ấy đã biến thành nỗ lực sáng tạo trong công việc. Chia sẻ về tình yêu và đam mê nghề của mình, anh Huynh kể: “ Ai cũng thế thôi, người trong nghề mình rất yêu nghề thêu. Khi đi sâu vào nghề nào mình cũng mong muốn thể hiện tay nghề của mình. Mình làm ở quê, toàn nhận các hàng đặt chân dung đám cưới, chân dung Hồ Chủ Tịch, chân dung đám cưới hoặc chân dung đời thường của mọi người mang đến đặt. Nói chung nghề thêu của lớp trẻ ở quê mình còn ít lắm. Yêu nghề mình vẫn cứ đi sâu vào cái nghề thêu của mình thôi”.
Nhờ đa dạng các sản phẩm, mở rộng thị trường mà rất nhiều lao động trong thôn đã có việc làm, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt thu nhập của người thợ thêu trung bình đã đạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm thủ công của các làng nghề Thường Tín làm ra thường được bày bán ở những phố sầm uất nhất trong 36 phố phường Hà Nội... Tại phố Hàng Gai, con phố bán hàng thêu thuộc loại sầm uất, chủ của các cửa hàng ở đây cho biết, hầu hết họ đều lấy hàng từ các làng nghề thủ công ngoại thành, cụ thể là ở các “làng thêu” Khoái Nội, Đào Xá, Bình Năng xã Thắng Lợi và làng Quất Động, xã Quất Động (huyện Thường Tín)…
Hiện tại, huyện Thường Tín đang có hướng tổ chức các cuộc thi thêu, tuyên truyền trên báo đài, xúc tiến thương mại để bán sản phẩm với thu nhập cao bên cạnh việc đào tạo, hướng dẫn nghề cho thế hệ trẻ. Việc làm này đồng nghĩa với việc động viên, khuyến khích và thúc đẩy nghề thêu ngày một mạnh mẽ hơn. Điều đó càng có ý nghĩa thiết thực hơn khi số lượng lao động tại nông thôn của huyện Thường Tín chiếm số lượng đông đảo.
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ