Thay đổi để hội nhập

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Hiện nay, nhiều ý kiến quan tâm đến việc thay đổi cách đọc tên nguyên tố Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên (THCS), môn Hóa học (THPT).

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, tên các nguyên tố, chất hoá học và một số thuật ngữ khác được sử dụng theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Hóa học thuần tuý và Hóa học ứng dụng (IUPAC) thay cho cách đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây. Ví dụ: Oxy (O) là Oxygen, Đồng (Cu) là Copper, Nitơ (N) là Nitrogen, Canxi (Ca) là Calxium, Flo (F) là Fluorine, Nhôm (Al) là Aluminlum…

Chương trình môn Khoa học tự nhiên ghi rõ: Thuật ngữ hoá học được sử dụng theo khuyến nghị của IUPAC và Tiêu chuẩn Việt Nam (Tiêu chuẩn 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Quyết định số 2950– QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ; Công văn 1041/BGDĐT–GDTrH của Bộ GD&ĐT).

Trong trường hợp tiếng Việt đã có thuật ngữ dễ hiểu thì dùng tiếng Việt. Cụ thể, sử dụng tên tiếng Việt của 13 nguyên tố ở dạng đơn chất: Vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thuỷ ngân; đồng thời ghi chú thuật ngữ tiếng Anh trong ngoặc đơn để tiện tra cứu.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Hóa học cũng khẳng định 4 nguyên tắc sử dụng thuật ngữ hoá học, danh pháp hoá học, đó là: Khoa học, thống nhất, hội nhập, thực tế. Theo đó, khái niệm mà thuật ngữ biểu thị phải được cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới; hình thức của thuật ngữ phải bảo đảm tính hệ thống. Thuật ngữ phải có cách hiểu thống nhất trong toàn bộ Chương trình môn Hóa học và Chương trình giáo dục phổ thông nói chung.

Danh pháp hoá học sử dụng theo khuyến nghị của IUPAC, có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với thực tiễn trong nước, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập. Tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt được quy định tương tự như trong Chương trình môn Khoa học tự nhiên; hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC. Bởi vậy, sách giáo khoa vẫn sử dụng tên gọi tiếng Việt cho các vật thể được tạo nên từ các đơn chất đó, ví dụ vẫn viết “bột lưu huỳnh”, “quặng sắt”, “tượng đồng”, “nhẫn vàng”, “vòng bạc”, “nhiệt kế thuỷ ngân”, “phân lân kali”…

Tiếp cận với cái mới, khó khăn, bỡ ngỡ, bối rối ban đầu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thay đổi để thống nhất với tên theo quy định quốc tế là phải làm để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, hội nhập, đặc biệt là tính ứng dụng trong đời sống. Bởi tên hoá chất, tên thành phần các loại thuốc được ghi trên bao bì, chai, lọ của các nhà sản xuất đều thống nhất theo quy định chung… Hiểu rõ điều này, các thầy cô giáo đều cố gắng tìm các giải pháp để bản thân và học trò nhanh chóng thích ứng.

Là Chủ biên chương trình môn Hóa học, PGS.TS Đặng Thị Oanh chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 sử dụng thuật ngữ Hóa học theo danh pháp IUPAC nên số học sinh (học THCS theo Chương trình GDPT 2006 chuyển lên THPT học Chương trình GDPT 2018) và giáo viên sẽ có bỡ ngỡ trong thời gian đầu.

Với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, các tổ chuyên môn lưu ý giáo viên bổ sung, cập nhật những kiến thức mà học sinh chưa được học. Ví dụ, gặp nguyên tố hóa học nào trong bài học, giáo viên sẽ bổ sung cách gọi mới cho nguyên tố đó.

Với giáo viên, đặc biệt là thầy cô lớn tuổi hạn chế về tiếng Anh có thể khắc phục bằng cách sử dụng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học mới trong sách giáo khoa, trong đó có phiên âm ghi tên các nguyên tố hóa học theo tiếng Anh để đọc theo. Về cách phát âm, giáo viên có thể sử dụng Google dịch tra cứu để học cách phát âm, phiên âm.

Bên cạnh đó, các bộ sách giáo khoa hiện nay đều kèm học liệu điện tử có video hướng dẫn cách đọc các nguyên tố hóa học, thầy cô có thể khai thác nguồn đó. Thầy cô cũng có thể tìm đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp, đặc biệt tại các buổi họp tổ nhóm chuyên môn để nhanh chóng quen với việc đọc tên nguyên tố theo cách mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ