Để tháo gỡ, có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng quan trọng nhất vẫn là việc chuẩn hóa đội ngũ đào tạo giáo viên tích hợp của các trường sư phạm.
Vấn đề cốt lõi là nhân lực
Hiện một số sở GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy liên môn để triển khai cho kế hoạch đổi mới năm tiếp theo. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT mới) ở bậc THCS đòi hỏi dựa trên nền tảng xây dựng kế hoạch dạy học môn học, kế hoạch bài dạy.
Đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng ban đầu về vấn đề này qua các module của Chương trình ETEP cũng như bồi dưỡng thường xuyên ở các tỉnh thành. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn nhất định, như việc sắp xếp bố trí giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý lớp 6 vẫn còn theo hướng mỗi giáo viên một phần nội dung riêng…
“Một số giáo viên học chương trình cử nhân cao đẳng sư phạm ngành đôi từ năm 2012 trở về trước, đã học nâng chuẩn và có thể đảm đương ban đầu. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng cho đội ngũ có thể dần đảm nhiệm cả hai phần nội dung nên được quan tâm, giải quyết. Đây cũng chính là vấn đề mà ngành Giáo dục đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng khi thực hiện song song hai mũi nhọn: Đào tạo mới và bồi dưỡng, cập nhật, hoàn chỉnh cho đội ngũ giáo viên”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định.
Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, một số sở GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở những môn học liên môn. Tháng 7/2021, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình bồi dưỡng dành cho nhóm giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý nên Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã chuẩn bị để thực hiện công tác này.
“Trường đã khảo sát và có dữ liệu về đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên ở các tỉnh thành để có thể chủ động bồi dưỡng. Song song đó, một đề tài đặt hàng của trường về đánh giá nhu cầu bồi dưỡng nhóm giáo viên này để xác lập những lưu ý có liên quan để thực hiện bồi dưỡng.
Trong ba năm qua, trường đã đào tạo ngành Sư phạm mới đáp ứng nhu cầu của CTGDPT 2018 như Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Sử - Địa, nên có thể ứng dụng kinh nghiệm thành công ban đầu vào công tác đào tạo cho bồi dưỡng…”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Quy mô đào tạo ngành sư phạm sẽ thế nào?
Theo PGS.TS Lưu Trang, trong thời gian tới, quy mô đội ngũ giáo viên THCS sẽ gọn lại. Các trường sư phạm cũng thu hẹp quy mô đào tạo một số lĩnh vực, nhưng đồng thời mở rộng một số chương trình đào tạo khác.
“Trước đây, sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Lịch sử… có thể về dạy cả THCS và THPT. Nhưng sắp tới họ chỉ có thể dạy ở THPT. Còn nếu muốn dạy THCS phải bồi dưỡng thêm kiến thức về những môn liên quan. Do đó quy mô đào tạo giáo viên cụ thể từng môn sẽ hẹp lại, nhưng giáo viên dạy liên môn dành cho THCS sẽ mở rộng ra đối với giáo viên tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Trong mùa tuyển sinh năm nay Bộ GD&ĐT cũng đã giảm chỉ tiêu các môn Khoa học tự nhiên lẻ và tăng chỉ tiêu giáo viên dạy liên môn”, PGS.TS Lưu Trang thông tin.
Ở khía cạnh đào tạo, GS.TS Huỳnh Văn Sơn đồng ý với quan điểm: “Dạy học tích hợp nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học như tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...
Còn dạy học liên môn là phải xác định các nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau. “Như vậy, giáo viên dạy Sử - Địa hay Khoa học tự nhiên cũng cần phải xem xét lại cách xem Sử - Địa là một môn hay hai môn (thực chất đã là một môn). Vì vậy, phải dự báo theo thời gian để có một nhóm nhân sự phù hợp nhất, đảm bảo chất lượng dạy học các môn này”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu ý kiến.
Đồng thời, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng: Đào tạo nhóm giáo viên này, chắc chắn sẽ có thuận lợi nhất định vì đây là ngành có nhu cầu trong tương lai. Trong nhiều năm, một số trường cao đẳng sư phạm không còn đào tạo ngành này nên nhân lực dự phòng không còn nhiều. Bộ GD&ĐT cũng có những chủ trương ủng hộ các trường đào tạo ngành mới này đáp ứng thực tiễn giáo dục, nhất là triển khai CTGDPT mới.