Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện việc kiểm tra đánh giá theo khung phân phối chương trình đã được thủ trưởng các đơn vị phê duyệt và đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên phải thực hiện tốt phần đánh giá, nhận xét trên bài làm của học sinh. Việc nhận xét cần chú trọng tính động viên, khuyến khích sự cố gắng, biểu dương sự tiến bộ của học sinh.
Kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả học tập của học sinh mà qua đó giúp cho học sinh điều chỉnh, thay đổi phương pháp học tập; giáo viên điều chỉnh, thay đổi phương pháp dạy học.
Về biên soạn đề kiểm tra, Sở GD&ĐT yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho các bài kiểm tra định kỳ và được thống nhất tổ/nhóm chuyên môn.
Đề kiểm tra bao gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh ở từng học kỳ, từng khối lớp, tổ/nhóm chuyên môn xác định tỉ lệ các mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra phù hợp với đối tượng học sinh.
Nội dung KTĐG cho mỗi học kì: căn cứ vào khung phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT và chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Hình thức kiểm tra: Kiểm tra tự luận, kiểm tra trắc nghiệm hoặc phối hợp kiểm tra trắc nghiệm và kiểm tra tự luận ở cấp THCS và THPT.
Riêng lớp 12: đề kiểm tra bám sát theo hướng đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở nhà; việc giao nhiệm vụ cho học sinh về nhà là một khâu quan trọng trong tiến trình dạy học, nhiệm vụ giao cho học sinh là một tiêu chí đánh giá giờ dạy của giáo viên…