Chương trình mới môn Hóa học: Giảm nội dung phải ghi nhớ máy móc

GD&TĐ - Điểm mới quan trọng nhất trong Chương trình môn Hóa học là định hướng tăng cường bản chất hoá học của đối tượng; giảm bớt và hạn chế các nội dung phải ghi nhớ máy móc cũng như phải tính toán theo kiểu “toán học hoá”, ít đi vào bản chất hoá học và thực tiễn.

Chương trình mới môn Hóa học: Giảm nội dung phải ghi nhớ máy móc

Chủ biên chương trình môn Hóa học - PGS.TS Đặng Thị Oanh - chia sẻ như vậy về môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Thay đổi căn bản về kết cấu chương trình

PGS.TS Đặng Thị Oanh cho biết: Chương trình môn Hóa học với 3 mạch nội dung cốt lõi: Kiến thức cơ sở hóa học chung; Kiến thức Hóa học vô cơ và kiến thức Hóa học hữu cơ.

Kết cấu của chương trình môn Hóa học có sự thay đổi căn bản. Trục phát triển chính của Chương trình môn Hóa học là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về kiến thức cơ sở hóa học chung về cấu tạo chất và quá trình biến đổi hoá học.

Các kiến thức cơ sở hóa học là cơ sở lý thuyết chủ đạo để học sinh giải thích được bản chất, vận dụng được quy luật hoá học ở các nội dung hoá học vô cơ và hoá học hữu cơ.

Hóa học là một môn học có sự kết hợp giữ lý thuyết và thực nghiệm, vì vậy Chương trình môn Hóa học đặc biệt chú trọng trang bị các khái niệm công cụ và phương pháp sử dụng công cụ, đặc biệt là giúp học sinh có kỹ năng thực hành thí nghiệm, kỹ năng vận dụng các tri thức hoá học vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên được chọn học một số chuyên đề (35 tiết/lớp/năm).

Mục tiêu của các chuyên đề này là nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, mở rộng nâng cao kiến thức, tăng cường kỹ năng thực hành, luyện tập và vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Đổi mới về phương pháp

Việc đổi mới phương pháp dạy học Hóa học theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của Chương trình. Chương trình giáo dục môn Hóa học đặc biệt chú trọng định hướng phát triển năng lực thông qua thiết kế hoạt động dạy học cho mỗi nội dung, mỗi chủ đề học tập.

Theo PGS.TS Đặng Thị Oanh, các phương pháp giáo dục chủ yếu được lựa chọn theo các định hướng sau:

Định hướng hoạt động: Các hoạt động học tập của học sinh dựa trên các hoạt động trải nghiệm; Vận dụng, gắn kết với thực tiễn và định hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao sự hứng thú của học sinh, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh mà môn học đảm nhiệm.

Định hướng dạy học tích cực: Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và phù hợp với sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho người học.Tăng cường thực hành, trải nghiệm trong các nội dung dạy học đặc biệt khi nghiên cứu về các chất vô cơ, hữu cơ có nhiều ứng dụng trong thực tiễn thông qua các dự án học tập.

Kết hợp giáo dục STEM trong dạy học nhằm phát triển cho học sinh khả năng tích hợp các kiến thức kỹ năng của các môn học Toán – Kỹ thuật – Công nghệ và Hoá học vào việc nghiên cứu giải quyết một số tình huống thực tiễn.

Sử dụng các bài tập hoá học đòi hỏi tư duy phản biện, sáng tạo (bài tập mở, có nhiều cách giải,...), các bài tập có nội dung gắn với thực tiễn, tăng cường bản chất hoá học, giảm các bài tập nặng về tính toán toán học.

Đa dạng hoá các hình thức học tập, sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị dạy học một cách phù hợp, hiệu quả trong dạy học hoá học.

Đánh giá kết quả giáo dục

Về nội dung này, PGS.TS Đặng Thị Oanh cho biết: Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn (yêu cầu cần đạt) của chương trình môn Hóa học và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triể̉n chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chương trình môn Hóa học đặc biệt quan tâm đến đánh giá năng lực nhận thức kiến thức hoá học thông qua các câu hỏi (nói, viết), bài tập,... thông qua việc trình bày, so sánh, hệ thống hoá kiến thức hay phải vận dụng kiến thức hoá học để giải thích, chứng minh, giải quyết vấn đề.

Đánh giá năng lực tìm tòi, khám phá kiến thức hoá học thông qua các phương pháp đánh giá như: Phương pháp quan sát (sử dụng các công cụ hỗ trợ như bảng kiểm quan sát theo các tiêu chí đã xác định, quan sát quá trình thực hiện tiến trình tìm tòi, khám phá, quá trình thực hành thí nghiệm của học sinh,...).

Đồng thời, sử dụng các câu hỏi, bài kiểm tra nhằm đánh giá hiểu biết của người học về kỹ năng thí nghiệm; khả năng suy luận để rút ra hệ quả, đưa ra phương án kiểm nghiệm, xử lý các dữ liệu đã cho để rút ra kết luận; khả năng thiết kế thí nghiệm hoặc nghiên cứu để thực hiện một nhiệm vụ học tập được giao và có thể đề xuất các thiết bị, kỹ thuật thích hợp,...

Sử dụng báo cáo thực hành để đánh giá toàn diện quá trình thực hành (ví dụ quá trình thực nghiệm để kiểm tra một giả thuyết) của học sinh.

Đánh giá năng lực vận dụng kiến thức hoá học vào thực tiễn thông qua yêu cầu người học trình bày vấn đề thực tiễn cần giải quyết, trong đó học sinh phải sử dụng được ngôn ngữ hoá học, các bảng biểu, mô hình,... để mô tả, giải thích hiện tượng hoá học trong vấn đề đang xem xét; sử dụng các câu hỏi đòi hỏi người học vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn.

Điều kiện thực hiện chương trình

Khác với chương trình hiện hành, nội dung Chương trình môn Hóa học cấp THPT lần này không thiết kế theo bài/ tiết, sắp xếp xen kẽ giữa các mạch nội dung mà theo hệ thống chủ đề, nghiên cứu các kiến thức cơ sở hóa học chung làm nền tảng, làm cơ sở lý thuyết chủ đạo để nghiên cứu kiến thức hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ. Tuy nhiên, hệ thống kiến thức về cơ bản không thay đổi. Do đó, giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ chương trình là có thể thực hiện được.

Điểm mới về sử dụng thuật ngữ trong chương trình môn Hóa học lần này là sử dụng thuật ngữ theo khuyến nghị của IUPAC có tham khảo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530: 2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập.

Để thực hiện tốt chương trình môn Hóa học cấp THPT, các trường cần phải có phòng học bộ môn với các thiết bị dạy học tối thiểu đầy đủ, tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các thí nghiệm và hoạt động trải nghiệm, tìm tòi, khám phá khi học môn Hóa học.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, có thể chuẩn bị một số thiết bị dạy học tối thiểu về dụng cụ và hóa chất, các đồ dùng trực quan như: hệ thống sơ đồ, biểu bảng, các tư liệu điện tử có thể thay thế được thí nghiệm như sử dụng video thí nghiệm, thí nghiệm mô phỏng, thí nghiệm ảo,... với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như máy tính, đèn chiếu (overhead), máy chiếu (projector) và Internet.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ