Thách thức về quản lý với đào tạo song ngành

GD&TĐ - Thời gian gần đây, đào tạo song ngành được các cơ sở GD ĐH nới quy mô, không chỉ trong nội bộ trường mà còn mở thí điểm ở 2 trường khác nhau.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Số ngành được mở đào tạo song ngành cũng phong phú dần lên, nơi ít thì 2 - 3, nơi nhiều thì 10 - 12 ngành. Số lượng sinh viên đăng ký học song ngành có xu hướng tăng hằng năm.

Chương trình song ngành giúp sinh viên có thêm kiến thức, cơ hội việc làm cũng tốt hơn, nhất là khi các em biết chọn những ngành bổ trợ cho nhau. Ðây cũng là xu hướng đào tạo phù hợp môi trường giáo dục hiện nay. Mặt khác, đào tạo song ngành cũng góp phần khắc phục được “bước lỡ” ước mơ của thí sinh trong chọn ngành, chọn trường khi tốt nghiệp trung học.

Chương trình song ngành tích hợp ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM là một ví dụ. Ngành học ban đầu sinh viên trúng tuyển thường có điểm đầu vào không cao. Thế nhưng ngay sau khi nhập học, để theo đuổi đúng nguyện vọng của mình ở ngôi trường mơ ước, sinh viên có thể đăng ký chương trình đào tạo song ngành tích hợp để hình thành kế hoạch học tập tối ưu. Ngành học thứ hai sinh viên chọn là những ngành có điểm trúng tuyển rất cao, ngành “hot” trên thị trường lao động.

Mặc dù mang lại lợi ích cho người học nhưng thực tế học song ngành không phải là con đường trải hoa hồng cho tất cả. Theo Quy chế đào tạo chương trình đại học ban hành kèm Thông tư số 08 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm tích lũy của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo kết quả học tập thì phải dừng chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo; sinh viên sẽ bị loại khỏi danh sách đã đăng ký học chương trình thứ hai. Vì thế, muốn học song ngành, ngoài năng lực, tư duy, sức khỏe tốt, sinh viên phải có khả năng sắp xếp, tổ chức học tập khoa học, hợp lý.

Trên thực tế, đã có không ít sinh viên buộc phải từ bỏ lựa chọn học song ngành sau 1 - 2 năm theo đuổi vì… quá đuối về năng lực, sức khỏe lẫn học phí.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Huỳnh Thị Thanh Hường (Trường ĐH Cần Thơ) về tình hình học song ngành cho thấy sinh viên có 5 nhóm khó khăn chính: (1) Thiếu thông tin và kết nối trong học tập - đào tạo song ngành; (2) quy định học phần tiên quyết ở ngành học 2 khi hoàn thành chương trình đào tạo ở ngành 1; (3) kiến thức, yêu cầu từ hai ngành học có nhiều khác biệt; (4) số tín chỉ tối đa cho phép khi sinh viên học song ngành và (5) khối lượng bài tập từ hai chuyên ngành. Đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu, những khó khăn đó ngoài yếu tố thuộc về bản thân sinh viên, còn xuất phát từ sự thiếu thông tin và hướng dẫn của nhà trường.

Thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều trường chưa xây dựng chương trình đào tạo song ngành và ban hành bộ quy chế đi kèm, mà chỉ dừng lại ở việc cho phép sinh viên theo học. Việc học song ngành có nơi hầu như là một cấu trúc nằm ngoài chương trình đào tạo của trường.

Nhiều trường chưa có nghiên cứu thấu đáo về “độ xa” của hai ngành học để sinh viên có thể học tốt cả hai. Để giảm áp lực cho người học, thời gian qua nhiều trường đã giảm khá nhiều nội dung trùng lặp so với chương trình cơ bản. Thế nhưng biện pháp này cũng đặt ra những dấu hỏi về mặt bảo đảm chất lượng.

Thách thức về quản lý là không nhỏ, bởi nhà trường phải đảm bảo chuẩn đầu ra của hai ngành trong chương trình đào tạo song ngành là như nhau về lượng kiến thức, kỹ năng, thậm chí là cơ hội nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ