Hai năm trở lại đây, nhiều thí sinh đã mạnh dạn theo đuổi các chương trình này vì thấy được nhiều lợi ích.
Nhiều trường xây dựng chương trình đào tạo song ngành
Xu hướng đào tạo song ngành được không ít trường đại học sớm triển khai với nhiều ưu điểm và lợi thế dành cho người học. ĐHQG TPHCM là đơn vị triển khai sớm chương trình đào tạo song bằng khi cho phép sinh viên có thể học song song 2 ngành tại 2 trường trong cùng hệ thống.
Theo đó, ngành thứ nhất là chương trình mà sinh viên trúng tuyển, nhập học. Nếu sinh viên có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện và được cơ sở đào tạo xét tuyển theo quy định sẽ được đăng ký học thêm ngành thứ hai tại các trường trong hệ thống của ĐHQG TPHCM, để được nhận 2 bằng ĐH sau khi tốt nghiệp.
ThS Nguyễn Hải Trường An - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) - cho biết: Chương trình song ngành của ĐHQG TPHCM gồm 2 phần, ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam. Ngành thứ hai tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ, tổng khối lượng kiến thức gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp với quy định hiện hành.
Không chỉ ĐHQG TPHCM còn có nhiều trường trong và ngoài công lập triển khai đào tạo chương trình song ngành theo hướng nội bộ. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) có tới 29 chương trình, Trường ĐH Hoa Sen có 11 chương trình, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có tới 15 ngành có đào tạo song ngành. Ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 5 ngành triển khai đào tạo song ngành gồm: Du lịch số, Kinh tế số, Công nghệ tài chính, Tin sinh học, Quản trị công nghệ sinh học đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành và song ngành. Ở khối công lập, ĐH Kinh tế TPHCM cũng triển khai đào tạo 4 chương trình, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM có 3 chương trình đào tạo chính quy quốc tế song bằng.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, sức hút của các chương trình trên là người học chủ động học thêm ngành mà mình yêu thích khi đủ điều kiện (điểm học tập, quy định của trường, điểm tiếng Anh). Mặt khác, các chương trình đào tạo song bằng, song ngành đều có hỗ trợ về học phí, tổ hợp xét tuyển được mở rộng hơn. Đặc biệt, việc kết hợp đa dạng khối ngành trong đào tạo, cùng phương thức tuyển sinh, xét tuyển linh hoạt khiến thí sinh dễ dàng chọn lựa.
Ngoài các chương trình song bằng như trên, hiện khá nhiều trường còn triển khai chương trình đào tạo song bằng (bằng đôi) thông qua chương trình liên kết đào tạo với các trường nước ngoài. Sinh viên theo học chương trình này sẽ học 3 năm tại Việt Nam và học chuyển tiếp năm thứ 4 tại trường đối tác và nhận 2 bằng đại học (1 tại Việt Nam, 1 bằng quốc tế) chuyên ngành, khối ngành mà mình chọn học.
Gia tăng cơ hội việc làm cho người học
Theo GS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH), các chương trình song bằng có nhiều ưu điểm. Người học được nhận hai bằng cử nhân riêng biệt trong khoảng thời gian học tập chỉ từ 4,5 đến tối đa 5 năm dành cho hệ chính quy tập trung.
Các môn học tự chọn và có tính giao thoa của hai ngành được tăng cường để sinh viên có thể vận dụng các kiến thức có tính hệ thống trong quá trình học tập, đồng thời đảm bảo đủ số tín chỉ bắt buộc của mỗi ngành đào tạo theo quy định. Quan trọng hơn, việc học song ngành sẽ gia tăng cơ hội việc làm cho người học.
“Để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng trong bối cảnh mới, thời gian qua, UEH đã chuẩn bị các yếu tố nền tảng cho sinh viên, trong đó có thay đổi cấu trúc chương trình đào tạo hướng đa ngành mang tính chất liên ngành, mục đích trang bị cho người học cách nhìn tổng quan.
Nếu người học không có cách nhìn rộng thì sức sáng tạo sẽ hạn chế, nên chương trình đào tạo cần phát triển theo hướng đa ngành và liên ngành. Để mở được song ngành, chúng tôi phải tính toán sao cho tối ưu hóa giúp sinh viên tiết kiệm về thời gian, kinh tế, cũng như mở rộng cơ hội việc làm”, GS Thành nói.
TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng: Phát triển và mở rộng đào tạo theo hướng xuyên ngành, song ngành là xu hướng không thể khác. Vì vậy, việc phát triển các chương trình đào tạo theo hướng liên/xuyên ngành, song ngành nằm trong chiến lược đào tạo giai đoạn 2020 - 2025 của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
“Việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình này không chỉ phục vụ theo nhu cầu của xã hội, mà còn tạo điều kiện cho sinh viên chọn lựa ngành học phù hợp với năng lực và sở thích, tăng cơ hội chọn lựa việc làm sau khi ra trường”, TS Ái Cầm chia sẻ.
Là người chọn lựa học thêm bằng công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ Thông tin từ cuối năm 2, theo sinh viên Hồ Tấn Phước Minh - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), học thêm một ngành khi vẫn đang theo đuổi ngành học mình yêu thích (Luật) tuy có vất vả nhưng cần thiết.
“Em tham khảo rất kỹ các chương trình đào tạo song ngành nên mới đăng ký học thêm ngành 2 để bổ trợ thêm cho mình kiến thức và kỹ năng hành nghề sau này. Thực tế, với khối lượng chương trình đào tạo được thiết kế, cùng số tín chỉ đào tạo ở mức phù hợp, nếu biết sắp xếp và điều chỉnh thời gian, việc nhận hai bằng cùng lúc ở hai trường em thấy không quá khó khăn. Cơ hội việc làm tất nhiên sẽ rộng mở hơn với người có 2 bằng đại học khi lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn được trang bị tốt và đầy đủ hơn”, Phước Minh nói.