Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn với TS Lưu Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hàng hải I về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế.
- Theo ông, những khó khăn, thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay là gì?
- Khó khăn, thách thức lớn nhất đối với GDNN đó là phải tạo ra nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, vấn đề này cần được xem xét cụ thể.
Đó là quốc tế hóa trong sản xuất và phân công lao động sâu sắc và mạnh mẽ làm thay đổi đáng kể các quy trình công nghệ trong sản xuất. Thậm chí làm mất đi vai trò của một số nghề và mở ra nhiều ngành nghề mới. Điều này dẫn đến yêu cầu về kiến thức, kỹ năng ở một số vị trí việc làm cũng khác đi. Từ đó, đòi hỏi các cơ sở GDNN phải thường xuyên nắm bắt đổi mới chương trình, bồi dưỡng giảng viên, làm chủ công nghệ mới, tăng cường thiết bị dạy học hiện đại phù hợp với thực tế sản xuất.
Hiện, GDNN ở Việt Nam còn chậm thích ứng với xu thế hội nhập. Sự cạnh tranh và dịch chuyển lao động giữa các nước diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi người lao động phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phù hợp với nơi họ đến làm việc.
Đặc biệt, đội ngũ giáo viên phần lớn không được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy nghề cũng như kinh nghiệm dạy nghề trong môi trường quốc tế, nhưng lại tham gia dạy nghề quốc tế. Hiện nay, trong điều kiện công nghệ đang thay đổi từng ngày, dẫn đến các máy móc thiết bị nhanh lỗi thời. Điều này là thách thức rất lớn đối với các cơ sở GDNN trong việc đầu tư thiết bị mới phù hợp với thực tế sản xuất.
- Việc hợp tác quốc tế trong GDNN hiện nay, theo ông có khó khăn vướng mắc gì?
- Người học sau tốt nghiệp không những phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước mà còn phải đáp ứng yêu cầu thị trường khu vực và quốc tế. Một trong những giải pháp rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng GDNN giữa Việt Nam và các nước đó là tăng cường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GDNN.
Hiện, nhiệm vụ nâng cao chất lượng GDNN theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDNN tiên tiến trong khu vực và trên thế giới đang được chú trọng.
Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động liên kết đào tạo giữa cơ sở hoạt động GDNN của Việt Nam với cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài. Việc này nhằm thực hiện chương trình đào tạo của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng để cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp.
Tuy nhiên, không phải cơ sở GDNN nào cũng làm tốt trong vấn đề hợp tác quốc tế. Vì vậy, cần có những ký kết hiệp định công nhận văn bằng với các quốc gia trong khu vực Asian và trên thế giới. Giống như việc công nhận chứng chỉ của thuyền viên đào tạo tại Việt Nam có giá trị sử dụng trên toàn thế giới do Việt Nam là thành viên Công ước STCW78.
Các cơ sở GDNN cũng cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài tham gia đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế.
Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đào tạo nghề. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDNN, lựa chọn một số cơ sở GDNN có khả năng để đầu tư thành trường chất lượng cao, tiệm cận với chuẩn khu vực Asian và G20.
Hơn nữa, cần có cơ chế khuyến khích các trường xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế. Khuyến khích các trường kiểm định quốc tế chương trình đào tạo và cơ sở GDNN.
Ngoài ra, nên mở rộng quyền tự chủ cho các trường để tạo mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý GDNN để được công nhận trong khu vực và quốc tế.
- Các cơ sở GDNN của Việt Nam cần làm gì để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn quốc tế, thưa ông?
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn quốc tế không chỉ là nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ. Đây phải là nguồn nhân lực đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đó, người lao động phải được trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, cạnh tranh tích cực với lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời thích ứng nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để đạt được những yêu cầu trên, cơ sở GDNN cần xác định đúng ngành, nghề trọng điểm khu vực và quốc tế. Các trường cần dựa trên việc xem xét tính phù hợp của tất cả các yếu tố như chuẩn quốc tế, đầu ra, chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo, đội ngũ giảng viên, trình độ và mức độ thu hút người học.
Cơ sở GDNN cần có chính sách tuyển sinh tốt để lựa chọn và thu hút được sinh viên phù hợp với tiêu chuẩn đầu vào, thực sự mong muốn và quyết tâm theo học ngành nghề đã chọn.
Các trường cần xây dựng được đội ngũ giảng viên, hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn đáp ứng được các chuẩn quốc tế. Đội ngũ này phải có kinh nghiệm làm việc tại các vị trí việc làm quốc tế. Đồng thời có trình độ ngoại ngữ, tin học để đọc tài liệu và hướng dẫn bằng tiếng Anh cho người học.
Cơ sở GDNN cũng cần xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường, duy trì và áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế với tất cả các khâu, các hoạt động của nhà trường.
Ngoài ra, cần tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài có lĩnh vực hoạt động liên quan đến ngành nghề đào tạo.
Tăng cường các nội dung hợp tác với doanh nghiệp như xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, học liệu, tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập và đánh giá đầu ra… để có những định hướng nghề nghiệp cho người học cũng như hỗ trợ các điều kiện dạy học thực tế tại doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!