Đào tạo nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long: “3 nhà” cùng góp sức

GD&TĐ - Các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang hướng đến mô hình liên kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực lĩnh vực nông nghiệp.

Trường ĐH Bạc Liêu ký kết hợp tác đào tạo nhân lực trình độ ĐH theo Mô hình mới liên kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.
Trường ĐH Bạc Liêu ký kết hợp tác đào tạo nhân lực trình độ ĐH theo Mô hình mới liên kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.

Với giải pháp này, nguồn lực phục vụ cho vùng sẽ có lợi thế từ đào tạo, cọ xát thực tiễn đến cơ hội việc làm…

Cùng vào cuộc

Theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, để tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề mấu chốt là tập trung xử lý các yếu tố nội tại của vùng. Để đáp ứng nhu cầu này, các trường đại học ở ĐBSCL sớm chuyển đổi, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhân lực phục vụ phát triển nông, ngư nghiệp. Việc chuyển đổi từ mô hình đào tạo trong nhà trường sang kết hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cũng được đẩy mạnh. 

Trường ĐH Bạc Liêu đóng trên địa bàn là “thủ phủ tôm” và nuôi trồng thủy hải sản. Mới đây, nhà trường ký kết hợp tác đào tạo nhân lực trình độ đại học theo địa chỉ sử dụng với mô hình liên kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp ở ngành Bảo vệ thực vật. 

Với sự vào cuộc của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, Trường ĐH Bạc Liêu và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp - Thủy sản Bạc Liêu tổ chức vận hành một chuỗi kế hoạch để sau khi sinh viên tốt nghiệp, người tiếp nhận là doanh nghiệp trước đó đã cùng tham gia vào quá trình đào tạo có thể đánh giá ngay sản phẩm của chính mình. Trường ĐH Bạc Liêu có nhiệm vụ tư vấn, quản lý, thiết lập hệ thống, hướng dẫn đào tạo. Hội Nông dân tỉnh triển khai tham vấn nông dân, tìm nguồn tuyển sinh đầu vào, bảo đảm số lượng theo kế hoạch. Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nông nghiệp - Thủy sản Bạc Liêu sẽ hỗ trợ 100% học phí cho sinh viên trong suốt khóa đào tạo (4 năm). Tổ chức cho sinh viên thực tập và nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường với mức lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng…

Trường ĐH Trà Vinh cũng vừa tổ chức lễ kết nạp hội viên là sinh viên của trường vào Hội Nông dân Việt Nam và thành lập Chi hội Sinh viên nông dân Trường ĐH Trà Vinh. Đây là Chi hội Nông dân đầu tiên được thành lập ở cơ sở là một trường đại học và hội viên là những sinh viên của trường. Mô hình thí điểm giúp sinh viên vừa học, thực hành gắn với đời sống thực tế, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, và xây dựng nông thôn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, trường thành lập Chi hội Nông dân trong sinh viên là để từng bước đưa lực lượng trí thức trẻ trở về với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thông qua các hoạt động của chi hội, sinh viên có cơ hội áp dụng những kiến thức, kỹ thuật được học ở nhà trường vào trải nghiệm thực tiễn sản xuất. Đồng thời, được học hỏi thêm kinh nghiệm quý báu từ nghề nông được đúc kết qua nhiều năm thực tế mà thầy, cô không thể truyền dạy cho các em. Các em sẽ có cơ hội thử thách, rèn luyện bản thân để trưởng thành hơn và ra trường sẽ tự tin hơn với kiến thức, kỹ năng thực tiễn để giúp ích cho gia đình và xã hội.

SV Trường ĐH Đồng Tháp cùng nông dân nghiên cứu ứng phó hạn, mặn.
SV Trường ĐH Đồng Tháp cùng nông dân nghiên cứu ứng phó hạn, mặn.

Lợi đôi đường

Theo chia sẻ của lãnh đạo và giảng viên các trường đại học, sự vào cuộc của Nhà nông - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo lĩnh vực nông, ngư nghiệp là tín hiệu tích cực. Đây là mô hình mới, sẽ thu hút lực lượng sinh viên, trí thức trẻ thêm yêu nghề, gắn bó với quê hương đồng ruộng và trở thành những người “nông dân trí thức” thời kỳ 4.0. “Chi hội Nông dân trong sinh viên là nơi để các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn tốt nghiệp đại học trở về nông thôn. Tiếp thu và áp dụng kiến thức công nghệ mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân…”, PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết.

Theo GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, GD đại học chúng ta cần phải năng động hơn, từ chương trình đào tạo cho tới nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thực tế chương trình đại học của nhiều trường trên thế giới ít hơn ta rất nhiều, thời gian học của sinh viên được rút ngắn lại, thay vào đó là thời gian tự học, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế. 

GS Võ Tòng Xuân dẫn chứng: Ở Mỹ, đa số các trường đại học lớn, đại học danh tiếng là ngoài công lập. Họ tự chủ về mọi mặt, tạo dựng thương hiệu từ chương trình đào tạo cho tới công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Nhà trường, giảng viên cùng sinh viên không chỉ dạy, học, nghiên cứu, mà còn tham gia các dự án, nghiên cứu của doanh nghiệp và tổ chức. Họ làm việc này vừa có nguồn tài chính để phát triển trường, vừa có kinh nghiệm thực tế và bổ sung vào giáo trình, cập nhật những kiến thức mới nhất… Có như vậy, nhà trường - xã hội luôn có tương tác với nhau trong quá trình đào tạo - sử dụng lao động. Lợi ích ở chỗ nhà trường luôn có chương trình mới, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ phát triển tốt. Còn xã hội thì có nguồn lao động vững tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển.

GD đại học chúng ta cần phải năng động hơn, từ chương trình đào tạo cho tới nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Người thầy đại học không chỉ “ôm” giáo trình để dạy mà phải ra xã hội để họ cần gì, để cập nhật kiến thức mới nhất bổ sung vào quá trình giảng dạy. - GS Võ Tòng Xuân

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.