Sự biến đổi của phương thức sản xuất
Đây là những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ: Thực tế những thay đổi về phương thức sản xuất, kinh doanh đã diễn ra rất nhanh chóng, ngoài taxi, xe ôm công nghệ, người bán hàng cũng đã thay đổi cách tiếp cận khách hàng thông qua livestream trên mạng xã hội, dù không biết họ được đào tạo từ đâu nhưng rõ ràng đây là một cách làm hiệu quả, cho thu nhập cao.
Trong CMCN 4.0 các thiết bị thông minh cũng ra đời rất nhanh dựa trên những công nghệ nền tảng, từ đây những kỹ năng mới được tạo ra, yêu cầu phương thức và cách làm việc mới cũng đồng thời xuất hiện. Chẳng hạn việc thay đổi băng thông điện thoại di động từ 3G sang 4G và tương lai là 5G, cũng sẽ khiến cho người sử dụng phải có những kỹ năng mới. Tương tự như vậy, trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, mọi thay đổi về công nghệ và kỹ năng cũng sẽ diễn ra hết sức nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: Thực tế nhiều người lao động không được đào tạo, không có bằng cấp nhưng họ lại có kỹ năng sản xuất thực tiễn tại doanh nghiệp và đang làm việc rất tốt, nếu không được đánh giá, người lao động sẽ rất thiệt thòi về thu nhập. Do đó, chương trình chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ năng và đánh giá kỹ năng sẽ mang lại lợi ích cho người lao động, bên cạnh đó, động viên được nguồn lực có trình độ kỹ năng trong doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, cơ sở đào tạo cần nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách để tổ chức tốt quá trình đào tạo và bảo đảm được số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo của nhà trường. Để đáp ứng yêu cầu cao về chuẩn hóa kỹ năng nghề, cơ sở đào tạo phải chuẩn bị đội ngũ giảng viên, đánh giá viên có đủ các tiêu chuẩn kỹ năng đánh giá, đội ngũ này không chỉ có kinh nghiệm đào tạo trong trường mà còn tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp.
Nhà trường phải được trang bị hệ thống cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị như tại doanh nghiệp, để có thể đáp ứng được yêu cầu đánh giá kỹ năng ngay tại cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần tích cực và sát thực hơn nữa để nâng cao ý thức của người lao động về vấn đề đào tạo và cập nhật kỹ năng. Khi các tiêu chuẩn kỹ năng được xây dựng, chương trình đào tạo sẽ bám sát những kỹ năng thực tiễn trên cơ sở đặt hàng nguồn nhân lực từ doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia
Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia quy định về năng lực cơ bản của người lao động bao gồm những năng lực để làm việc nói chung, không dành riêng cho một nghề hoặc một ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đây là năng lực yêu cầu đối với tất cả người lao động được chuẩn hóa và công nhận có kỹ năng nghề theo Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.
Nhóm năng lực chuyên môn hay còn gọi là năng lực cốt lõi, quyết định năng lực lao động và thứ bậc của người lao động trong ngành nghề mà người lao động đang làm việc. Ý nghĩa của nhóm năng lực cốt lõi đòi hỏi người lao động có sức đề kháng cao, sức sáng tạo lớn, thích ứng với những diễn biến nhanh chóng của thế giới việc làm.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, thách thức lớn nhất trong việc thực hiện chuẩn hóa kỹ năng đòi hỏi sự chuyển dịch không những về nhận thức, tư duy mà còn phải thay đổi cả thói quen của người lao động.
Việt Nam đang trở thành điểm thu hút đầu tư FDI và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc trang bị cho người lao động những kỹ năng thích hợp cho người lao động đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Việc chuẩn hóa kỹ năng nghề sẽ giúp người lao động rút ngắn được thời gian đào tạo và nhanh chóng đạt hiệu quả cao trong công việc.