Trung vệ Quế Ngọc Hải
Trung vệ của ĐT Việt Nam - Quế Ngọc Hải sinh ngày 15/5/1993 tại Diễn Châu, Nghệ An. Anh được xem là một trong những nhân tố quan trọng của “thế hệ mới” ĐT Việt Nam. Được gọi lên tuyển từ năm 20 tuổi, đến nay Ngọc Hải đã có được 23 trận thi đấu cho ĐT Việt Nam, ghi được 1 bàn thắng.
Năm 2016, dấu ấn lớn nhất của Ngọc Hải là quãng thời gian thi đấu trong màu áo ĐT Việt Nam tại AFF Cup. Anh là một trong những cầu thủ hiếm hoi đá chính trong tất cả các trận của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2016, trở thành nhân vật không thể thay thế tại hàng phòng ngự.
Quế Ngọc Hải trong màu áo ĐT Việt Nam thi đấu tại AFF Cup 2016. (Ảnh: Trọng Phú)
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ tới dấu ấn của Ngọc Hải khi phải trở thành thủ môn “bất đắc dĩ” trong trận bán kết lượt về với Indonesia trên sân Mỹ Đình. Dù đến cuối cùng không thể giúp đội vào chung kết, nhưng quyết tâm chiến đấu đến phút cuối cùng của Ngọc Hải là điều mà bất cứ người hâm mộ nào cũng có thể cảm nhận được.
Hiện là cầu thủ “hot nhất nhì” Việt Nam, nhưng hiện Quế Ngọc Hải vẫn đang lẻ bóng một mình. Trên trang cá nhân của anh thường đăng những trạng thái tâm trạng như: “Trái đất cũng đã có đôi, vì sao tôi vẫn đơn côi một mình” hay “Không có tiền thì chết đói, không có đàn bà vẫn sống dù khô héo”. Ngọc Hải chia sẻ anh vẫn đang tìm kiếm một nửa của mình và hi vọng đó là một người có thể hiểu anh và cùng chia sẻ mọi chuyện.
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền
“Lọ lem điền kinh” của thể thao Việt Nam, Nguyễn Thị Huyền sinh ngày 19/5/1993. Năm 2016 có thể xem là một năm nhiều dấu ấn với VĐV điền kinh gốc Nam Định này. Đầu tiên phải kể đến việc giành tấm vé quý giá dự Olympic Rio.
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền lên xe hoa với giảng viên Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh. (Ảnh: NVCC)
Có được thành tích này là nhờ việc Nguyễn Thị Huyền đã thi đấu xuất sắc tại SEA Games 28 khi đạt 2 chuẩn B Olympic ở các nội dung 400m (52s) và 400m rào nữ (56s15). Ở đấu trường Olympic, Nguyễn Thị Huyền đã không thể tạo nên bất ngờ trước những vận động viên được đánh giá cao hơn nhiều, nhưng việc tham dự đấu trường cao nhất thế giới cũng được xem là trải nghiệm quý báu với “lọ lem điền kinh”.
Nhưng trên hết, dấu ấn lớn nhất của Nguyễn Thị Huyền trong năm là việc khoác lên mình chiếc váy cưới. Chồng cô là Phạm Quỳnh, giảng viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Đám cưới của cặp đôi này diễn ra một cách giản dị, không phô trương với sự tham dự của đông đảo bạn bè, người thân trong giới thể thao.
“Kình ngư” Hoàng Quý Phước
Hoàng Quý Phước sinh ngày 24/3/1993 tại Đà Nẵng. Khả năng bơi lội của Quý Phước được “phát lộ” từ năm 10 tuổi. Từ năm 16 tuổi, Quý Phước đã lần đầu tiên “chinh chiến” ở đấu trường lớn là SEA Games 25 tại Lào và giành 1 HCĐ.
Quý Phước giành HCV tại SEA Games 2015. (Ảnh: Trọng Phú)
Ở thời điểm đó, Quý Phước được sánh ngang với “thần đồng” Joseph Schooling của Singapore. Mặc dù vậy, trải qua thời gian thì khả năng phát triển của Quý Phước đã không được như kỳ vọng. Trong khi Schooling đã vươn đến tầm thế giới thì trình độ của Quý Phước gần như đã đóng khung ở “ao làng” SEA Games. Phải nỗ lực và may mắn lắm, anh mới có thêm 1 HCV ở SEA Games 2013 và 1 HCV ở SEA Games 2015.
Năm 2016, dấu ấn đậm nét nhất của Quý Phước là ở giải bơi lội quốc tế Bundapest (Hungary). Tại nội dung 400m tự do nam, Quý Phước đã giành HCV với thành tích 3 phút 55 giây 85. Kết quả này giúp Phước phá được kỷ lục quốc gia được chính anh lập tại Giải vô địch Đông Nam Á 2014 (3’57’’09). Bên cạnh đó, thành tích trên của anh cũng vượt qua chuẩn B Olympic (3’58’’51) và có được tấm vé dự Olympic Rio.
“Nữ hoàng Wushu” Dương Thúy Vi
Sinh ngày 11/5/1993, Dương Thúy Vi lúc đầu chỉ đi tập Wushu theo sự giới thiệu của một người em để rèn luyện sức khỏe, nhưng không ngờ niềm đam mê Wushu đã ngấm vào cô từ lúc nào.
Dương Thúy Vi giành HCV duy nhất của đoàn Việt Nam tại Asiad 2014. (Ảnh: Trọng Phú)
Tại Asiad Incheon 2014, Thúy Vi là VĐV Việt Nam duy nhất giành được 1 HCV. Tấm huy chương quý giá của Thúy Vi giúp đoàn thể thao Việt Nam thăng tiến mạnh trên bảng xếp hạng và kết thúc ở vị trí 21 (giữa BXH).
SEA Games 2015 tại Singapore là một giải đấu khiến Thúy Vi cảm thấy tiếc nuối. 1 HCV, 1 HCB chưa phản ánh đúng thực lực của cô khi ở các nội dung trường quyền, thương thuật đã có dấu hiệu xử ép từ phía các trọng tài.
Nói về Tết Nguyên đán, Thúy Vi tâm sự: “Gia đình tôi có truyền thống gói bánh chưng ngày Tết. Cứ mỗi khi Tết đến, các anh chị em, cô chú lại cùng góp gạo, thịt, lá dong và cùng nhau ngồi gói bánh. Đây cũng là dịp sum họp cuối năm. Tôi và các anh chị em trong nhà lăng xăng chuẩn bị lá. Có những hôm thức đến sáng để trông nồi bánh nhưng có hôm lại ngủ quên, sáng hôm sau tiếc lắm”./.