Tự chủ là quyền lợi của các đại học
Góp ý cho dự thảo Luật GD Đại học sửa đổi, GS.TS. NGND Trần Hữu Nghị cho biết, trong những năm qua, các trường được tự chủ nhưng chúng ta không được tự chủ về học thuật, tự chủ về mở ngành, nghề. Luật GD Đại học sửa đổi đã tạo ra sự tự chủ đại học cũng là một cách thúc đẩy xã hội hóa công việc giáo dục đào tạo. Và đó cũng là yêu cầu mở, đặc điểm mở của hệ thống giáo dục.
Theo GS.TS Trần Hữu Nghị, tự chủ là quyền lợi chứ không phải trách nhiệm của các trường đại học. Luật Giáo dục Đại học cần thể hiện rõ quan điểm này.
Lý giải về ý kiến của mình, GS Nghị phân tích: “Tự chủ phải là quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ có nghĩa là Nhà nước không bắt buộc bất cứ một cơ sở giáo dục công lập nào thực hiện tự chủ cả. Mà tự chủ là trách nhiệm, thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học không tách rời. Bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải xem đó là đương nhiên”.
Trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cần thiết bổ sung trên tinh thần, “Nhà nước không chịu trách nhiệm mà giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Phải xóa được tình trạng các trường đại học dựa mãi vào kinh phí và nguồn ngân sách của Nhà nước. Để thay bằng chính sách, “Nhà nước nắm vai trò định hướng trong các cơ chế, chính sách, nắm trọng trách đảm bảo các cơ sở giáo dục luôn thực hiện được trách nhiệm với cộng đồng".
GS.TS. NGND Trần Hữu Nghị |
Nói cách khác, các trường đại học phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải trình tất cả những vấn đề đối với Nhà nước và đối với xã hội. Cần phải có đổi mới tư duy một cách căn bản về vấn đề này, để các trường đại học có thể tự chủ thực chất về công việc đào tạo, còn gọi là tự chủ về chương trình. Nhà trường tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về việc dạy thứ gì, môn học nào, dạy bao nhiêu, nhiều hay ít, nông hay sâu, chứ không phải nhất nhất theo một quy định chung cứng nhắc.
Làm rõ quyền hạn của hội đồng trường
Đánh giá cao những thay đổi lần này liên quan đến việc quy định chức năng và quyền hạn của Hội đồng trường, GS.TS. NGND Trần Hữu Nghị, cho rằng, Luật GD Đại học năm 2012 chưa làm rõ vai trò, quyền hạn của hội đồng trường trong mối tương quan với cơ quan chủ quản, Đảng ủy nhà trường, làm cho hội đồng trường không có thực quyền.
GS.TS Trần Hữu Nghị cho rằng cần làm rõ kỳ vọng của Nhà nước đối với mỗi loại hình trường. Vấn đề Luật GD ĐH sửa đổi chưa cho thấy rõ Nhà nước đang kỳ vọng gì đối với từng loại hình trường. Kỳ vọng/mục tiêu rõ ràng sẽ giúp xây dựng được các chính sách, cơ chế thích ứng để khuyến khích mỗi loại hình trường không ngừng nỗ lực để đạt được kỳ vọng của Nhà nước.
“Quy định “nhiệm kỳ của hội đồng trường… theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng” là đang ngầm định rằng, hiệu trưởng có quyền hạn cao hơn hội đồng trường. Như vậy là không phù hợp”.
Theo GS Trần Hữu Nghị, quy định về hội đồng quản trị của các trường tư thục cũng còn nhiều bất hợp lý. Vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường công lập (Điều 16, Khoản 5, mục c) “Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số”.
Vấn đề đặt ra là nếu Hội đồng trường vi phạm pháp luật thì xác định người chịu trách nhiệm là rất khó khăn vì Chủ tịch hội đồng dù cho bản thân không đồng ý với quyết định đó thì vẫn phải ký theo đa số.
GS.TS. NGND Trần Hữu Nghị kiến nghị trường hợp Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng quyết định của đa số có thể vi phạm pháp luật thì được quyền từ chối ký ban hành và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
Không phân biệt trường công và trường tư
GS.TS Trần Hữu Nghị cho rằng, luật chưa quy định rõ vai trò của Hội đồng trường tư thục (tại Điều 17). Hội đồng trường không có thực quyền vì toàn bộ quyền thuộc về nhà đầu tư; Tổ chức Đảng, công đoàn. mất vai trò trong trường đại học tư thục. Vì thế, cần xem lại và phân tách rõ ràng hơn quyền hạn của nhà đầu tư, quyền hạn của Hội đồng trường, quyền hạn của Hội đồng khoa học đào tạo. Thành phần đại diện Đảng ủy, Công đoàn trường trong Hội đồng trường là bắt buộc và do Đảng ủy BGH Công đoàn cử tham gia; Nhà đầu tư không có quyền can thiệp.
Cần quy định rõ ràng, đặc biệt các tiêu chí công nhận trường không vì lợi nhuận và trường hoạt động vì lợi nhuận. Trách nhiệm và quyền lợi của mỗi mô hình. Trường vì lợi nhuận có thể coi như doanh nghiệp tư nhân. Còn trường không vì lợi nhuận coi như doanh nghiệp xã hội, phúc lợi cộng đồng.
Đặt vấn đề loại hình trường tư thục không vì lợi nhuận có còn tính khả thi trong thực tế hay không, GS Trần Hữu Nghị phân tích, trường tư thục không vì lợi nhuận đã bị tuyệt đối hóa tới mức không còn tính khả thi trong thực tế vì quy định “không rút vốn” tại b Khoản 2 Điều 7. Quy định này tuyệt đối hóa với nhà đầu tư vì nếu Nhà nước không có ý định cấp không hoặc là cho các trường tư thục không vì lợi nhuận mượn vốn thì Nhà nước cũng không làm được như nhà đầu tư. Vốn góp vào trường tư thục không vì lợi nhuận được hoàn trả và được hưởng quyền lợi như vốn vay với mức lãi suất không vượt quá lãi suất trái phiếu của Chính phủ.