Tập trung tháo gỡ “nút thắt” về tự chủ đại học

GD&TĐ - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (diễn ra trong 2 ngày 24 – 25/9); bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH), các đại biểu khẳng định: Tự chủ ĐH là xu thế tất yếu, tuy nhiên cần làm rõ vai trò của hội đồng trường, mối quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng và trách nhiệm giải trình của các trường.

Phát triển hệ thống GD ĐH phải tuân theo trình tự và có tính cạnh tranh theo quy luật chung
Phát triển hệ thống GD ĐH phải tuân theo trình tự và có tính cạnh tranh theo quy luật chung

Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

Phiên làm việc toàn thể diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình. Cùng tham gia phiên làm việc còn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đại diện các vụ, cục chức năng của Bộ GD&ĐT.

Cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) nêu kiến nghị cần làm rõ vai trò của hội đồng trường và nguyên tắc chọn hiệu trưởng. Đây cũng là ý kiến của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận). Đại biểu đề nghị, cần tăng cường công tác kiểm định chất lượng khi giao tự chủ cho các trường, trong đó có kiểm định về tài chính.

Cho rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện khá tốt dự thảo Luật, đại biểu Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu) nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn chỉnh Luật này để Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sắp tới thông qua, nhằm tạo cơ hội và điều kiện để các trường ĐH phát triển. Đại biểu Chu Lê Chinh khẳng định: Các nội dung góp ý về cơ chế tự chủ ĐH đã được Ban soạn thảo tiếp thu rất tốt và tường minh. Tự chủ là xu thế, là nhu cầu phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH xoay quanh 4 chính sách quan trọng, cốt lõi là tự chủ ĐH và tập trung vào tháo gỡ “nút thắt” về tự chủ. Điểm quan trọng là trách nhiệm của các bên liên quan và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, của cơ sở GD. Quan điểm là tạo điều kiện để các cơ sở GD ĐH phát triển.

Liên quan đến hội đồng trường và tự chủ ĐH, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đây là một trong những nội dung cốt lõi của dự thảo Luật. Khi thực hiện tự chủ thì phải kiện toàn hiệu trưởng. “Chúng tôi cũng tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo chức năng, quyền hạn của hội đồng trường” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Chu Lê Chinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Hội đồng trường sẽ ban hành chủ trương là chính, để làm sao minh thịnh được trách nhiệm, chiến lược quy hoạch và quyết định những vấn đề lớn. Còn Ban giám hiệu sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật để thực thi các nhiệm vụ. Về trách nhiệm giải trình, theo dự thảo Luật thì hội đồng trường giám sát, trong đó có giám sát báo cáo về kiểm toán. Như vậy, hội đồng trường sẽ giám sát Ban giám hiệu bằng kết quả kiểm toán về mặt tài chính. Báo cáo kiểm toán phải minh bạch và cơ quan kiểm toán đó phải có thẩm quyền, có tư cách pháp lý theo quy định của Nhà nước.

Triển khai tự chủ phải gắn với trách nhiệm trong giải trình
  • Triển khai tự chủ phải gắn với trách nhiệm trong giải trình

Tự chủ cần được triển khai từ nhận thức

Kết luận phiên làm việc, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu để tiếp tục hoàn chỉnh.

Ông Phan Thanh Bình lưu ý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH có các vấn đề lớn cần được làm rõ, đó là: Tự chủ; Tư thục và Nguyên tắc cạnh tranh.

Về tự chủ ĐH, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Đây là vấn đề đã nói từ lâu, bây giờ đã đến thời điểm triển khai và cần được triển khai từ nhận thức. Có hai nội dung trong việc tự chủ, đó là: Cơ chế tự chủ; hội đồng trường và hiệu trưởng. “Vấn đề này đã được đặt ra và tất cả đều biết. Nhưng hoạt động của hội đồng trường như thế nào, quyền hạn và trách nhiệm hiệu trưởng ra sao? Chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo để phát huy hiệu lực, hiệu quả” - ông Phan Thanh Bình nêu vấn đề.

Trong cơ chế hiện hành, người điều hành là hiệu trưởng, vì thế theo ông Phan Thanh Bình, vấn đề ở chỗ là làm thế nào để tạo ra sự chuyển động, sự trao đổi và phối hợp ngày càng tốt hơn. Đối với các trường ĐH, tốt hơn hết là phát huy được trí tuệ, năng lực của các thầy, cô giáo và các thành viên trong nhà trường. Do đó, cần tạo điều kiện để các trường phát huy quyền tự chủ và cơ chế giữa hội đồng trường và hiệu trưởng phải tốt lên.

Cần xác định, điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự chủ và cơ chế tự chủ. Khi giao cho các trường tự chủ thì cần xác định trách nhiệm giải trình và nội dung giải trình là gì, giải trình với ai? Ba vấn đề của hệ thống GD ĐH ở thời điểm sắp tới đó là: Tự chủ, Tư thục và Nguyên tắc cạnh tranh.

 
Ông Phan Thanh Bình

Về tư thục và nguyên tắc cạnh tranh, nội dung lớn thứ hai trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH; theo ông Phan Thanh Bình, nội dung này đặt ra yêu cầu phát huy được nguồn lực lớn trong xã hội, phát huy được tiềm lực của các trường tư thục. Hệ thống trường tư thục phải được đẩy mạnh. GD ĐH phải luôn phát triển và đi bằng hai chân đó là: Công lập và tự thục.

“Dự thảo Luật lần này, chúng ta cố gắng tạo điều kiện và môi trường để các trường tư thục phát triển. Đây là nguồn lực có thể tác động tốt đến sự phát triển GD ĐH và sự chuyển động của trường tư thục. Nếu trường tư thục phát triển đúng hướng thì sẽ tạo ra động lực, sự cạnh tranh ngay đối với trường công lập. Do đó, trường công lập phải hình dung rằng, bên cạnh mình còn có hệ thống trường tư thục nhiều năng lượng, năng động và linh hoạt. Lúc đó tôi tin rằng, cả hai sẽ cùng đi song song để cùng phát triển”- ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bản chất của tất cả vấn đề này là đặt ra nguyên tắc: Cạnh tranh giữa các cơ sở GD với nhau, bình đẳng giữa công lập và tư thục. “GD là dịch vụ đặc biệt. Chúng ta không ủng hộ kinh doanh GD. Đó là quan điểm rõ ràng nhưng không vì thế mà lại không có sự cạnh tranh. Cạnh tranh chính là sự thuyết phục, sự khẳng định từ cơ sở. Qua đó mới tạo nên chất lượng bền vững” - ông Phan Thanh Bình khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.