Liên quan đến nội dung này, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ chính sách xã hội hóa GDĐH để phát triển các trường tư thục; không đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp; không thương mại hóa giáo dục; làm rõ khái niệm cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho mô hình này.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu. Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận.
Báo cáo của Ủy ban cho biết, nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển các trường tư thục không vì lợi nhuận, dự thảo Luật quy định cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết: không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Dự thảo Luật cũng hướng đến việc quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH tư thục vận dụng theo mô hình doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của GDĐH và không thương mại hoá.
Theo đó, yêu cầu tách bạch việc quản lý, sử dụng vốn với hoạt động của nhà trường với yêu cầu nhà đầu tư phải thành lập tổ chức kinh tế trước khi thành lập trường; quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nhà đầu tư thành lập trường tư thục và mối liên quan với Hội đồng trường tư thục; yêu cầu các trường tư thục phải trích tối thiểu 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư cho hoạt động giáo dục.
Đối với các trường tư thục đã thành lập trước khi Luật này có hiệu lực, không bắt buộc áp dụng quy định phải thành lập tổ chức kinh tế.
Về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định theo hướng cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ lựa chọn phương thức tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế; đồng thời, yêu cầu các nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ nhằm tạo điều kiện cho việc công nhận, chuyển đổi và liên thông trong đào tạo. Việc bổ sung nội dung về kiến thức khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong chương trình là thuộc quyền tự chủ của nhà trường. Thời gian đào tạo chuẩn được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy quy định cho từng chương trình và trình độ đào tạo, được quy định trong Khung trình độ Quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Có ý kiến đề nghị quy định trong Luật về việc học các môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; Thường trực Ủy ban nhận thấy trong thực tiễn, chương trình đào tạo sử dụng trong liên kết với nước ngoài thường là chương trình của đối tác nước ngoài, mặc dù có thể được thực hiện ở Việt Nam nhưng văn bằng là do đối tác nước ngoài cấp nên khó có thể quy định các môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc cho các chương trình này.
Tuy vậy, Luật cũng đã yêu cầu chương trình đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam phải được kiểm định công nhận, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không có nội dung xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới.