Hội đồng trường ĐH của Liên Xô thời kỳ cải tổ (trước 1990)
Trước thời kỳ cải tổ ở Liên Xô không có khái niệm về Hội đồng trường và Hội đồng trường chỉ xuất hiện từ năm 1989. Theo Điều lệ trường đại học của Liên Xô ban hành ngày 7/7/1989, Hội đồng trường là tổ chức quản trị cao nhất trong một trường đại học thực hiện chức năng làm chủ của tập thể lao động trong trường.
Thành phần của Hội đồng bao gồm không quá 50% thành viên từ Hội đồng khoa học của trường. Những thành viên còn lại được bầu chọn trong các hội nghị của nhà trường: không ít hơn 50% đại diện cho giáo chức và cán bộ nghiên cứu, không dưới 25% đại diện cho sinh viên và nghiên cứu sinh, không dưới 10% đại diện cho đội ngũ nhân viên phục vụ. Số lượng thành viên hội đồng không dưới 100 người; nhiệm kỳ 5 năm. Hiệu trưởng kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường.
Hội đồng có trách nhiệm xem xét và phê chuẩn điều lệ trường, bầu chọn Hiệu trưởng, nghe báo cáo hàng năm của Hiệu trưởng, xem xét đường lối phát triển kinh tế - xã hội của nhà trường và phê chuẩn việc sử dụng các quỹ phát triển sản xuất và xã hội của nhà trường.
Hội đồng Viện đại học Wayne (bang Michigan – Hoa Kỳ)
Hội đồng có 8 thành viên do người dân của bang Michigan bầu chọn và được Thống đốc bang bổ nhiệm với nhiệm kỳ 8 năm. Đây là điểm khác biệt rất lớn với phần đông các trường đại học khác của Hoa Kỳ.
Các thành viên của Hội đồng không có lương mà chỉ được thanh toán những chi phí cần thiết có liên quan tới công việc của hội đồng.
Hội đồng có trách nhiệm bầu ra Chủ tịch (Hiệu trưởng) Viện đại học, giám sát tổng thể Viện đại học; kiểm soát và định hướng mọi chi tiêu từ các quỹ của Viện đại học; định ra chính sách học phí và mọi chế độ chi tiêu trong Viện đại học; quy định các thể chế về sử dụng quà tặng, mua sắm và thanh lý các tài sản, về việc ký kết các thoả thuận và hợp đồng với các đơn vị và cá nhân bên ngoài Viện đại học…
Hội đồng Viện ĐH Hoàng tử vùng Songkla 1979 (Thái Lan)
Hội đồng Viện đại học bao gồm các thành viên: Chủ tịch Hội đồng do Nhà vua chỉ định và bổ nhiệm. Các thành viên đương nhiên gồm: Chủ tịch Viện đại học, các Phó Chủ tịch, Hiệu trưởng các trường thành viên. Không ít hơn 11 thành viên nhưng không quá 15 thành viên từ cộng đồng (bên ngoài Viện đại học) được Nhà vua bổ nhiệm. Không quá 2 thành viên đại diện cho giáo chức từ mỗi cơ sở (phân hiệu) trực thuộc trường
Hội đồng có chức năng kiểm soát và giám sát các công việc chung của Viện đại học, cụ thể như sau: Tư vấn để Nhà vua bổ nhiệm Chủ tịch Viện đại học; định ra các chính sách của Viện đại học; ban hành các quy chế và quy định của Viện đại học; phê chuẩn các văn bằng, chứng chỉ đào tạo;
Xem xét và phê chuẩn các quyết định về tổ chức và nhân sự; thi hành các quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm của Nhà vua về các chức vụ Chủ tịch và Giáo sư; phê duyệt các chương trình đào tạo: ban hành các quy định về quản lý tài chính và tài sản; xem xét và phê chuẩn các quỹ ngân sách từ các nguồn thu của Viện đại học.
Nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng là 2 năm, trong khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Viện đại học là 3 năm.
Hội đồng quản trị Viện ĐH Quốc gia ở miền Nam trước giải phóng (1975).
Theo Quy chế Viện đại học Quốc gia do Chính quyền Sài Gòn ban hành năm 1970, mỗi Viện ĐH Quốc gia đều được quản trị bằng một Hội đồng quản trị, có thành phần bao gồm Viện trưởng Viện đại học (kiêm nhiệm Chủ tịch hội đồng), các Phó Viện trưởng, các khoa trưởng, 1 giáo sư đại diện cho giáo chức ở mỗi phân khoa, 1 nhân sĩ do Hội đồng tỉnh đề cử, 1 nhân sĩ do tỉnh trưởng đề cử và 1 đại diện của Bộ Giáo dục.
Hội đồng quản trị có thẩm quyền tổng quát về mọi công việc của Viện đại học như: ấn định mục tiêu và kế hoạch phát triển của Viện đại học; kiểm soát việc điều hành Viện; tìm kiếm nguồn lực tài chính và quản trị tài sản của Viện; đưa ra các quyết định về tổ chức và nhân sự của Viện; phê chuẩn hệ thống văn bằng và chứng chỉ đào tạo; soạn thảo điều lệ của Viện; đề xuất dự trù ngân sách hàng năm của Viện; ban hành học chế; xây dựng báo cáo hàng năm về tình hình Viện đại học,….
Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng quản trị cũng như của Viện trưởng Viện đại học là 4 năm.
Hội đồng trường theo Điều lệ trường ĐH ban hành tại các Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg và số 70/2014/QĐ-TT
Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học khẳng định Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện cho chủ sở hữu của trường đại học.
Hội đồng trường đại học có số lượng thành viên tối thiểu 15 người, bao gồm: Các thành viên đương nhiên: Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng và Chủ tịch Công đoàn trường; đại diện cơ quan trực tiếp quản lý trường;
Các thành viên được bầu: đại diện Hội đồng khoa học và đào tạo, đại diện giáo chức, đại diện công chức khối hành chính, đại diện Đoàn TNCSHCM và Hội sinh viên;
Các thành viên được mời từ bên ngoài (UNND tỉnh, các tổ chức nghiên cứu khoa học, nhà quản lý giáo dục, nhà hoạt động chính trị – xã hội, nhà doanh nghiệp…) với số lượng không dưới 20% tổng số thành viên Hội đồng trường.
Hội đồng trường làm việc theo phương thức thảo luận, thông qua các nghị quyết tập thể.
Hội đồng trường có các nhiệm vụ: Quyết nghị về mục tiêu chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; quyết nghị về quy chế tổ chức và hoạt động của trường; quyết định các chủ trương chi tiêu, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường. Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng trường là 5 năm.
Để nâng cao vai trò quan trọng của Hội đồng trường, Điều lệ trường đại học ban hành cuối năm 2014 đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ rất quan trọng của Hội đồng trường, đó là:
Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo giải trình với các cơ quan cấp trên về các điều kiện bảo đảm chất lượng, các kết quả hoạt động, tình hình thực hiện các cam kết và tài chính của trường;
Giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định. Kiến nghị cơ quan thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Bình luận