Nhận thức rõ nội dung và cơ chế tự chủ

GD&TĐ - Theo PGS.TS Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục - đào tạo nói chung, nhất là của các cơ sở giáo dục đại học đã được đề cập trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước hơn mười năm.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Sỹ Điền
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Sỹ Điền

Nhận diện tự chủ đại học

PGS.TS Trần Quốc Toản trao đổi, trong những năm gần đây, trong văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII, Luật Giáo dục Đại học hiện hành và một số văn bản dưới luật của Chính phủ đã nhấn mạnh và quy định rõ hơn những nội dung liên quan đến vấn đề cơ chế tự chủ của các trường đại học. Trên thực tế, cơ chế tự chủ cũng đã được thực hiện ở những mức độ khác nhau trong một số trường đại học. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng có nhiều vấn đề bất cập. Điều đó cho thấy, về mặt chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ của các trường đại học là đúng đắn và có sự nhất trí cao; nhưng đồng thời cũng có sự bất cập và chưa phù hợp của một số quy định pháp lý, cơ chế, chính sách.

PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, điều quan trọng hàng đầu là cần nhận thức rõ hơn về bản chất và nội dung cơ chế tự chủ đối với các trường đại học. Hiện nay trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về tự chủ đại học và tùy theo nhận thức về vai trò của Nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. PGS.TS Trần Quốc Toản dẫn giải, tự chủ đại học là quyền của nhà trường được tự “điều hành” hoạt động của mình mà không bị kiểm soát từ bên ngoài; hay là sự “thoát ra khỏi” sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý Nhà nước, của thị trường… đối với các hoạt động của trường đại học.

Mặt khác, tự chủ là quyền của các trường được đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu - sứ mạng của trường; là quyền của các trường được quyết định các phương tiện, cách thức để đạt đến mục tiêu đã được Nhà nước xác định trước. Tự chủ đại học cũng có thể được xác định như là các quyền lực có điều kiện đối với các trường: Các trường chỉ có thể có các quyền tự chủ nào đó trong hoạt động khi đã đạt được các chuẩn mực theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, tự chủ đại học là sự độc lập ở mức cần thiết của nhà trường đối với các tác nhân can thiệp từ bên ngoài mà nhà trường cần có để có thể thực hiện được việc quản trị và tổ chức nội bộ như: Tạo ra và sử dụng các nguồn tài chính ngoài ngân sách công, phân bổ các nguồn lực tài chính trong phạm vi nhà trường, tuyển dụng nhân sự, xây dựng các tiêu chuẩn cho học tập, đào tạo và nghiên cứu, và cuối cùng là quyền tự do trong việc tổ chức thực hiện nghiên cứu và giảng dạy.

Sinh viên thực hành ngành Dược. Ảnh minh họa Internet
 Sinh viên thực hành ngành Dược. Ảnh minh họa Internet

Tự chủ đại học là một cơ chế đồng bộ

Cũng theo PGS.TS Trần Quốc Toản, bản chất cơ chế tự chủ đại học chứa đựng sự thống nhất và mâu thuẫn khách quan về rất nhiều phương diện. “Ở đây không đi sâu vào các yếu tố chủ quan như: Mục đích của cơ chế tự chủ, các lợi ích của cơ chế tự chủ, động lực của cơ chế tự chủ, nội dung của cơ chế tự chủ, mô hình thể chế thực thi cơ chế tự chủ, điều kiện thực thi cơ chế tự chủ… của tất cả các chủ thể liên quan. Cần phải nhận thức rõ các nội dung trên mới có cơ sở để chế định cơ chế tự chủ đại học phù hợp và hiệu quả” - PGS.TS Trần Quốc Toản trao đổi.

Để xây dựng được cơ chế tự chủ đại học phù hợp - hiệu quả, cần phải nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề lý luận liên quan, nghiên cứu sâu và tiếp thu có luận chứng - có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nghiêm túc rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được qua các mô hình đã và đang thực hiện. Trên cơ sở đó, xây dựng các mô hình tốt hơn với những bước đi phù hợp.

 
PGS.TS Trần Quốc Toản

PGS chia sẻ: Ở đây cần thấy rõ rằng, trong cơ chế này không chỉ có hai chủ thể là nhà trường và Nhà nước vì nếu chỉ xem xét và phân định vai trò và chức năng giữa hai chủ thể này là không đủ. Mà trên thực tế, nếu lấy nhà trường là chủ thể trung tâm của cơ chế tự chủ thì còn các chủ thể “ngoại diên” khác là Nhà nước, xã hội, tức là gồm nhiều chủ thể và thị trường (cơ chế thị trường); đồng thời xét về cấu trúc nội bộ thì bản thân nhà trường cũng không phải là một chủ thể đồng nhất và đơn nhất, mà trong nhà trường có những chủ thể với những vị trí, vai trò, chức năng khác nhau như: Hội đồng trường, Ban giám hiệu, các khoa - viện chuyên ngành và các đơn vị chức năng, đội ngũ giáo viên, đội ngũ sinh viên, các tổ chức chính trị - xã hội…

"Như vậy cơ chế tự chủ đại học cần phải được xem xét và chế định đồng bộ giữa cơ chế “bên ngoài” - tức là cơ chế tương tác giữa nhà trường với các chủ thể khác, và với cơ chế “bên trong” - tức là cơ chế tương tác giữa các chủ thể trong nhà trường. Có chế định được sự đồng bộ giữa cơ chế bên trong và cơ chế bên ngoài mới tạo được sự vận hành có hiệu lực và hiệu quả của trường, mới tạo được động lực phát triển đúng đắn và bền vững của trường” - PGS.TS Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Quốc Toản cũng cho rằng, tự chủ đại học là một cơ chế đồng bộ - phù hợp nhằm tạo cho cơ sở giáo dục đại học là một đơn vị pháp lý gắn hữu cơ - thống nhất về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức, nhân sự. Đồng thời huy động và sử dụng các nguồn lực… nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học. Qua đó thực hiện tốt nhất mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, đất nước và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.
Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.