Tạ Minh Tuấn, "siêu nhân" truyền cảm hứng khởi nghiệp

Tạ Minh Tuấn không hẳn là doanh nhân, không hẳn là thầy dù anh vừa vặn với tất cả lối định danh ấy. Tuấn, trong câu chuyện dài của những năm tháng còn ngắn ngủi ấy, là người trẻ không ngừng tiên phong.

Tạ Minh Tuấn, "siêu nhân" truyền cảm hứng khởi nghiệp

Cửa mở, ở một góc nhà hàng có vài người nhận ra Tạ Minh Tuấn. Rồi chỉ vài giây, những người đàn ông trên dưới 40 tuổi chuyển hẳn ánh mắt về phía anh, thay nhau “Chào thầy!”.

Người thầy trẻ bước lại, đập tay “high-five” với từng học trò. Buổi trưa oi ả, im ắng ở nhà hàng bỗng trở nên khí thế. Tuấn bước đến góc khác với một cuộc gặp riêng.

Người thay đổi cuộc chơi

Những học trò doanh nhân lại trở về với cuộc họp của họ. Nhưng luồng khí thế đã kịp lan đi. Mọi chuyển động rất khẽ trong không gian này như đều mang một nhịp điệu khác.

Nghe về Tuấn từ lâu, nhưng chỉ đến những phút ngắn ngủi đầu tiên ấy, tôi mới chứng kiến cái năng lượng kích hoạt từ người trẻ vốn được mệnh danh là “siêu nhân truyền cảm hứng” này.

“Thanh niên khởi nghiệp không vì hoàn cảnh” là cách Tuấn “tự trào” về quyết định từng được xem là... “hơi điên điên” của mình hồi vừa bước vào đại học.

Ta Minh Tuan,

Tạ Minh Tuấn, người sáng lập Help International, người được mệnh danh "siêu nhân truyền cảm hứng".

Lần khởi nghiệp đầu tiên vào năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên năm hai chuyên ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, ĐH Bách khoa TP.HCM, Tuấn tham gia sáng lập một trong những doanh nghiệp làm dịch vụ Tiếp thị số đầu tiên ở Việt Nam.

Với lý lẽ “làm để biết”, Tuấn cùng nhóm sáng lập lao vào tìm hiểu thị trường, gọi vốn, tuyển dụng, tìm khách hàng. Như một “vật thể lạ” trong giới marketing ở Sài Gòn hồi đó, từ chỗ không có khách hàng trong suốt ba tháng đầu, doanh nghiệp này trở thành đối tác truyền thông của các thương hiệu lớn như Samsung Việt Nam, Sony Việt Nam, Unilever Việt Nam...

Nhưng, thời sinh viên của Tuấn cũng bắt đầu trở nên... “chẳng giống ai”. Có giai đoạn, Tuấn hầu như không dự lớp, không có thời gian ôn thi. Buổi tối, khi không còn ai để... làm việc cùng, Tuấn bắt đầu đọc sách, tự học kiến thức đã bỏ lỡ trên lớp; vừa để đảm bảo kiến thức, vừa để... áp dụng cho việc khởi nghiệp.

Đầu tắt mặt tối hai mươi giờ mỗi ngày, có những mùa thi, riêng việc “đi thi đúng giờ, đúng phòng” đã là một... nỗ lực lớn. Vậy mà, với các môn chuyên ngành, hầu như Tuấn đều nằm trong nhóm cao điểm nhất lớp.

Khi bắt đầu quen thấy mình “không giống ai”, Tuấn lại nuôi những ý tưởng “lạ đời” khác. Anh sáng lập Help International.

Khi ấy, bác sĩ gia đình vẫn chỉ là một hình ảnh được nhìn thấy qua phim ảnh nước ngoài, và thực trạng của y tế Việt Nam là người dân vẫn đang chi một số tiền khổng lồ vào việc trị bệnh, thay vì phòng bệnh. Anh bước vào lĩnh vực giáo dục với Học viện khởi nghiệp YUP, khi “startup” vẫn là một khái niệm mới được nhắc đến ở Việt Nam.

Anh lập quỹ Giấc mơ Đôi chân Thiên thần - quỹ từ thiện hỗ trợ người khuyết tật có đam mê văn chương, nghệ thuật, trong khi, giấc mơ ngoài vòng cơm áo vẫn được xem là xa xỉ với người khuyết tật. Rồi, anh lập ra Vietnam Leaders Toatsmasters, mang tinh thần của Hiệp hội diễn thuyết, nói trước công chúng lớn nhất thế giới (Toastmasters International) về Việt Nam...

Khởi nghiệp ở tuổi 19, tuổi 23 được Hội đồng Anh, CSIP và World Bank chứng nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam. 27 tuổi được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 30 người trẻ thành công và có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Năm 28 tuổi anh tiếp tục lọt vào danh sách này trên phạm vi toàn châu Á - mỗi bước ngoặt lại đánh dấu một lần Tuấn bước vào, và thay đổi
cuộc chơi.

Khai phá chính mình

Nhưng, “mỗi dấu son đều chỉ là một đoạn đời”. Thành tựu với Tuấn không hẳn là những thương hiệu đi kèm khi người ta nhắc đến Tạ Minh Tuấn, mà chính là những lần ngỡ ngàng nhìn lại mình, khi đã băng qua hết những trầy trật, hoang mang.

Lần sáng lập Help, Tuấn mang trong mình thôi thúc mãnh liệt khi căn bệnh ung thư bất ngờ giáng xuống cha anh. Khi ấy, anh vừa quần quật “cày cuốc” cho tấm bằng đại học, vừa bươn chải với công ty Tiếp thị số.

Biến cố gia đình làm chao đảo mọi thứ. Căn bệnh của ba là một nỗi đau, nhưng cái cảm giác bất lực khi tin dữ giáng xuống còn giày vò Tuấn hơn nhiều lần.

Liên tưởng đến những gia đình có người bệnh nan y khác, Tuấn nhận ra, mọi nỗi đau bệnh tật đều giáng xuống đột ngột, bởi diễn biến bệnh tật luôn quá âm thầm với sự thờ ơ về sức khỏe của người Việt.

Mô hình bác sĩ gia đình nảy ra từ đó. Tuấn bắt đầu tìm hiểu, lên kế hoạch, quyết tâm tổ chức một đội ngũ bác sĩ khám bệnh tận nhà, theo dõi và kiểm soát các vấn đề về sức khỏe của người dân.

Nhưng, khi bước vào một vùng đất hoang sơ mà khai phá nó, thì chính người tiên phong cũng tự băng qua, xé toang những giới hạn của mình.

Có những buổi chiều, chạy xe máy từ trường sang quận 1 để gặp nhà đầu tư, Tuấn phải gửi xe cách mấy ngã rẽ để đi bộ lại điểm hẹn. Bước đến đúng địa chỉ, ngước nhìn tòa nhà thật cao của thành phố, rồi cúi xuống nhìn lại bộ dạng mình: một sinh viên ôm mộng “thay đổi” mà tất tả tới lui, gặp gỡ, thuyết phục, và nghe từ chối từ hơn hai mươi nhà đầu tư.

Tuấn bất giác nghĩ: “Mình đang làm gì ở đây?”. Cái viễn cảnh ôm xấp giấy tờ, bước vào một văn phòng sang trọng, xa lạ, và kể về giấc mơ của mình với một đàn anh chưa từng quen biết, để lần thứ n được “thẩm định giấc mơ” ấy khiến Tuấn rã rời.

Ý muốn tháo chạy thoáng qua, anh ngập ngừng, rồi “xốc” mình lại, bước vào bên trong. Sau lần gặp ấy, anh được rót hàng trăm ngàn đôla, lần đầu được xác nhận tính khả thi của dự án.

Một buổi chiều trong chuỗi ngày bạc thếch bụi đường, cơ thể rộc rạc đi vì thức đêm nuôi nấng “đứa con” của mình; Tuấn nhận được thông báo của Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu dừng triển khai dự án, vì... Việt Nam khi đó chưa hoàn thiện luật về bác sĩ gia đình.

Cuống cuồng liên hệ khắp nơi, câu trả lời với Tuấn chỉ duy nhất có một: dừng dự án! Khi ấy, mọi thứ đang tiến triển, mọi cộng sự đều đang sẵn khí thế, cả tổ chức, chuyên môn, tài chính đều ổn thỏa. Bản thân dự án đang không xuất hiện vấn đề gì, ngoài việc phải... dừng triển khai.

Trong một cuộc họp khẩn cấp giữa khủng hoảng, trước một ê kíp đang hoang mang tột độ, Tuấn chỉ trấn an: “Sẽ nghĩ cách!”. Rời khỏi phòng họp sau khi high-five, lên tinh thần với các bạn, suốt đường về nhà, anh khóc như trẻ con.

Nghĩ về ba, về tâm huyết của mình ở những ngày đầu, về sự chăm chút tỉ mẩn cho dịch vụ, đến cái thử thách oái ăm này, anh thấy bất lực. Về đến cổng, Tuấn vứt bỏ chiếc khẩu trang ướt mèm nước mắt, lấy lại vẻ tươi tắn, bước vào nhà. Khi ấy, anh mới vừa 22 tuổi.

Cuộc dấn thân chưa bao giờ ngừng thử thách. Sinh ra và nuôi nấng hoài bão thay đổi đời sống sức khỏe của người Việt, Tuấn xác định lý tưởng xây dựng Help International như một doanh nghiệp xã hội.

Sau này, khi Help International đã hoạt động ổn định với tư cách phòng khám nội tổng quát, có dịch vụ “bác sĩ riêng” cho bệnh nhân có nhu cầu, Tuấn lại xung đột với nhà đầu tư về mục tiêu phát triển của công ty.

Mâu thuẫn leo thang với nhiều hiểu lầm phát sinh. Trong một cuộc họp, một nhà đầu tư có uy tín nhất công ty tức giận, chỉ thẳng vào “người sáng lập”: “Tuấn, nếu em không thay đổi thì từ ngày mai, em không được bước chân vô công ty nữa!”.

Viễn cảnh ấy là có thật. Chỉ cần không thống nhất được lý tưởng, những nhà đầu tư hoàn toàn có thể sa thải Tuấn, dù anh là người sáng lập và điều hành Help. Trước khoảnh khắc một mất một còn ấy, Tuấn im lặng.

Cuộc họp kết thúc. May mắn, trong cơn khủng hoảng ấy, 99% nhân sự ở công ty nghiêng về phía Tuấn. Anh bắt đầu giải quyết vấn đề tài chính, “chia tay” nhà đầu tư không cùng lý tưởng.

Nhắc lại kỷ niệm buồn ấy, Tuấn chia sẻ: “Mình cũng có trách nhiệm khi chọn nhà đầu tư đang tâm thế thu hồi vốn nhanh, tối đa hóa lợi nhuận, trong khi tầm nhìn của dự án vốn rất cần sự kiên trì”.

“Càng trải nghiệm trong cuộc chơi này, người ta sẽ càng hiểu rằng, mình cần phải chịu 100% trách nhiệm cho cuộc đời của mình!” - Tuấn tâm sự.

Nhưng, trên sợi dây thương trường mong manh của những được mất ấy, chỉ có một điều là hằng giá trị: tinh thần dấn thân của một người tiên phong.

2013, Tuấn hai lần được Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (thuộc Bộ Y tế) mời đến dự hội nghị về chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Việt Nam với tư cách là người làm y tế gia đình. Chỉ là một thanh niên học chuyên ngành kỹ thuật, không có chuyên môn về y tế, lần đầu tiên Tuấn đứng giữa hội nghị trình bày về tâm huyết và tầm nhìn với mô hình bác sĩ gia đình trước những chuyên gia và cán bộ cấp cao trong ngành y.

Cuối hội nghị, một vài vị cán bộ đến vỗ vai Tuấn, hồ hởi: “Khá lắm chú! Chú cứ làm đi, anh ủng hộ hết mình!”.

Suốt nhiều năm trầy trật giữ và nuôi lấy dự án, đó là sự ghi nhận khiến Tuấn bất ngờ, và cảm động nhất.

Chỉ một thời gian sau, cuối năm 2014, Quốc hội ban hành luật về y tế gia đình. Kiến nghị đưa bác sĩ gia đình vào dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm hướng đến người nghèo của Tuấn cũng dần được áp dụng.

Tạ Minh Tuấn khi ấy đã trở thành một cái tên nổi bật trong cộng đồng doanh nhân và cộng đồng người trẻ với Học viện khởi nghiệp YUP.

Đối diện tôi, vị doanh nhân bỗng trở thành một cậu sinh viên mơ mộng và lắm trò khi nói về J.O.B. - một dự án cho mượn sách có tên tiếng Việt là “Hành trình của sách” (Journey Of Book).

Trong một tháng tham gia lớp khởi nghiệp ở Israel - quốc gia Do Thái nổi tiếng về khởi nghiệp, Tuấn ghé thăm căn nhà của người lập quốc và ngỡ ngàng trước những kệ sách dài với hơn hai mươi ngàn cuốn sách. Được biết, trong những tâm nguyện cuối đời của người lập quốc Israel có một tâm nguyện chưa được thực hiện, là biến căn nhà của ông thành thư viện để người dân đến đọc sách miễn phí.

Về Việt Nam, Tuấn bắt tay lên kế hoạch thực hiện một thư viện miễn phí, để người Việt Nam có thể góp sách, hoặc dễ dàng đến với thế giới tri thức bằng việc mượn sách miễn phí từ thư viện. Lại bắt đầu một cuộc phiêu lưu của tri thức...

Nhà báo Minh Trâm

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.