Sinh viên Bách khoa test sốt mò, đo cà chua

GD&TĐ - Đo độ chín quả cà chua từ xa bằng điện thoại để dự đoán thời gian thu hoạch.

Sinh viên Bách khoa test sốt mò, đo cà chua

Tạo ra que thử nhanh bệnh sốt mò, giúp chuẩn đoán nhanh chóng, dễ dàng và chính xác... Đó là những nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhận biết cà chua chín bằng điện thoại

Thiết bị nhận biết độ chín cà chua, do nhóm sinh viên năm 3 Nguyễn Quang Anh, Phạm Duy Tự và Hoàng Thiên Nga chế tạo đã thắng giải nhất tại cuộc thi nghiên cứu khoa học do Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức. Thiết bị này có thể cung cấp đầy đủ về độ chín, dự đoán thời gian quả chín để thu hoạch.

Sinh viên Nguyễn Quang Anh, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, cà chua chưa chín chứa nhiều hàm lượng alkaloid dễ gây buồn nôn, mệt mỏi, ngộ độc. Với mong muốn bảo đảm sức khỏe, nhóm chế tạo thiết bị cầm tay giúp người dùng nhận biết chính xác hơn độ chín của cà chua, để chủ động thời gian thu hoạch; Đồng thời mong muốn phát triển các giải pháp phân tích không phá hủy sản phẩm.

TS Phạm Ngọc Hưng, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu đã gợi ý về cần có dữ liệu giúp người dùng lưu trữ lâu dài tình trạng của quả. Nhóm tiếp tục thiết kế một ứng dụng trên điện thoại có thể kết nối với thiết bị đo.

Đã có hơn 800 dòng code được nhóm tạo ra sau ba lần điều chỉnh lớn về cấu trúc lập trình, Thiên Nga - người phụ trách thiết kế và lập trình ứng dụng cho biết. Do ánh sáng ngoại cảnh khiến quá trình tạo thông số màu để lập trình bị ảnh hưởng, nhóm phải đo nhiều lần bằng cảm biến để đưa ra bảng thông số màu giúp thiết bị linh hoạt hơn trong nhận biết.

Thiết bị được thiết kế dựa trên cảm biến màu sắc thông qua khoảng thông số màu tương ứng, có kích thước nhỏ, chỉ bằng cuốn sổ tay, được nhóm tích hợp các module điều khiển và cảm biến màu sắc. Quang Anh cho biết, nhóm sử dụng 2 hệ màu khác nhau được xây dựng dựa trên khả năng cảm nhận màu của mắt người để thiết bị có thể quan sát màu sắc không rõ ràng, khó phân biệt trên quả cà chua, từ đó đưa ra đánh giá chính xác hơn.

“Nhóm em đã tìm ra 6 mức độ chín, tương ứng với 6 dải thông số màu khác nhau và đưa vào vi điều khiển”, Phạm Duy Tự chia sẻ. Người sử dụng chỉ cần đưa vào quả cà chua, sau 1 - 2 giây, thông số màu và đánh giá về độ chín được hiển thị trên màn hình thiết bị. Thiết bị được chế tạo thành công với kết quả thử nghiệm độ chính xác đạt trên 90%.

Sau hơn một tháng lập trình và thiết kế, ứng dụng có thể kết nối với thiết bị qua bluetooth điện thoại. Nó cung cấp đầy đủ về độ chín, dự đoán thời gian quả chín để thu hoạch. Sắp tới nhóm sẽ đẩy sản phẩm này lên kho ứng dụng CH Play để sử dụng và tiếp tục cải tiến dựa trên đóng góp của người dùng.

TS Phạm Ngọc Hưng đánh giá cao tinh thần và ý tưởng nghiên cứu của nhóm xuất phát từ cuộc sống và mong muốn áp dụng vào thực tế. “Sản phẩm của các em có thể được sử dụng trong giảng dạy và nghiên cứu”, TS Hưng nói.

Ngoài chức năng đo độ chín cà chua, nhóm đang thực hiện tích hợp đo màu sắc để đánh giá chất lượng của các sản phẩm thực phẩm trong quá trình trồng trọt, chế biến và bảo quản.

Máy đo độ chín của cà chua được SV Bách khoa sáng chế.
Máy đo độ chín của cà chua được SV Bách khoa sáng chế.

Que thử nhanh sốt mò

Đề tài “Nghiên cứu phát triển que thử nhanh xác định đồng thời IgG và IgM đặc hiệu cho chủng Orientia tsutsugamushi” của ba sinh viên Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Quang Anh và Hoàng Thị Thoa đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Viện (Phân ban KTSH) và tiếp tục được lựa chọn để tham gia Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Sinh viên Quang Anh chia sẻ, nhóm đã làm việc liên tục không nghỉ trong phòng thí nghiệm. Những giây phút tranh luận nảy lửa, những lần vỡ òa trong niềm vui khi kết quả thí nghiệm đạt được như mong đợi.

Nghiên cứu của nhóm là tạo ra que thử nhanh bệnh sốt mò, giúp chuẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác. Que thử phát hiện cả 2 loại kháng thể IgG và IgM nên không những giúp chẩn đoán bệnh mà còn giúp xác định người bệnh đang ở trong giai đoạn nào. Điều đó thuận tiện cho các bác sĩ trong việc đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho người bệnh.

Mầm bệnh Rickettsia orientalis có ở trên ấu trùng mò và một số loài vật gặm nhấm, thú nhỏ như chuột, chim hoặc ở chó, lợn, gà (ít gặp hơn)… được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò. Bệnh không lây từ người sang người. Ấu trùng mò thường sống ở bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt, các hang đá hoặc gốc cây.

Vì vậy, người bị bệnh sốt mò thường mắc khi đi làm nương rẫy, đi dã ngoại cắm trại dưới tán lá cây trong rừng, bộ đội hành quân, các trang trại chăn nuôi hoặc người đi qua vùng ven suối, ven sông, bìa rừng…

Bệnh sốt mò có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hiện không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này, nhưng thường gặp ở lứa tuổi lao động.

Bệnh có thể gặp rải rác trong năm, hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng. Bệnh sốt mò nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh đặc hiệu, dễ dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Kháng sinh điều trị sốt mò là thế hệ cũ, giá thành thấp, nhưng rất đặc hiệu với bệnh.

Tuy nhiên, sốt mò không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định, biểu hiện của sốt mò rất giống với các bệnh lý nhiễm khuẩn khác nên dễ nhầm và bỏ sót bệnh, đặc biệt là các trường hợp không tìm được vết mò đốt và bệnh đã ở giai đoạn nặng khi đã có suy đa phủ tạng.

Nếu được chẩn đoán đúng bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân sẽ cải thiện rất nhanh chóng, đặc biệt là dấu hiệu sốt, cải thiện các tạng bị suy.

Do đó, que thử nhanh sốt mò thực sự là một công cụ trợ giúp hữu ích đối với bác sĩ trong chẩn đoán bệnh. Nhóm hy vọng sẽ sớm thương mại hóa được nghiên cứu này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ