Sinh viên nghiên cứu khoa học ứng dụng để khởi nghiệp

GD&TĐ - Doanh nghiệp tham gia đồng hướng dẫn SV NCKH không còn quá mới mẻ trong các cơ sở GD ĐH. Ngoài việc được doanh nghiệp hỗ trợ để hoàn thiện, SV có thể khởi nghiệp bằng chính những ý tưởng và sản phẩm của mình. 

Sản phẩm trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên của nhóm SV Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tiếp cận người tiêu dùng.
Sản phẩm trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên của nhóm SV Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tiếp cận người tiêu dùng.

Có sản phẩm để… bán

Nhóm SV Lê Thị Phương Thu, Nguyễn Đoàn Nhật Quỳnh, Hồ Thị Trang và Bùi Đức Thắng (Khoa Sinh – Môi trường, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) nhận được đơn đặt hàng 1.000 hộp trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên từ chính nhà trường. Sản phẩm được Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chọn làm quà tặng nhân các sự kiện, hội nghị của trường và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng.

Sản xuất trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên là đề tài NCKH của nhóm SV do giảng viên Nguyễn Thị Bích Hằng hướng dẫn. Đề tài đã giành giải Nhất Festival Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức.

SV Lê Thị Phương Thu cho biết, theo tìm hiểu của nhóm, trên thị trường chưa có sản phẩm trà nào có sự kết hợp giữa nấm và hoa. Sau 6 tháng nghiên cứu, được hỗ trợ sử dụng phòng lab của nhà trường, nhóm đã có công thức để cho ra loại trà mới.

Chọn kết hợp giữa hoa cúc – có hương thơm nhưng vị không đậm và nấm, một loại dược liệu có vị đắng, nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe để kết hợp, nhóm đã tạo ra một loại trà không cần ướp hương hay dùng vị tổng hợp. “Mong muốn của nhóm chúng em là có thêm nhà đầu tư để có thể trang bị máy móc tiến tới sản xuất độc lập, quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng”.

Đề tài Sản xuất rượu vang thanh long sử dụng tế bào nấm men cố định của nhóm SV Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Đông Á cũng nhận được nhiều quan tâm từ các doanh nghiệp. Sử dụng nấm men Saccharomyces cerevisiae được cố định trong các hạt Na-alginate như một chất xúc tác sinh học để làm rượu vang thanh long, nhóm SV có mong muốn khởi nghiệp từ việc tạo ra một sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ nông dân nông thôn trong việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, chất lượng. 

Hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng: “Nhà trường hướng dẫn, định hướng SV thực hiện các đề tài NCKH có tính ứng dụng cao. Những đề tài như vậy sẽ được nhà trường đầu tư phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp cùng đầu tư, hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, cần thiết phải có những chương trình định hướng cho SV về vấn đề khởi nghiệp. Một khi có nền tảng, kiến thức vững chắc về chuyên môn cũng như “khởi nghiệp” và “khởi nghiệp sáng tạo”, SV sẽ vận dụng được những lợi thế từ thực tiễn để xây dựng các công trình NCKH”. 

30 đề tài SV NCKH của Khoa Điện (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) năm 2020, phần lớn đều nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Các đề tài đều được thực hiện tại doanh nghiệp với sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ doanh nghiệp.

Các đề tài đều giải quyết các vấn đề thời sự của ngành điện, của các doanh nghiệp như nghiên cứu phương pháp nâng cao hiệu suất tấm pin năng lượng mặt trời, đánh giá ảnh hưởng của nhà máy điện vào lưới điện quốc gia, giảm thiểu sự mất cân bằng điện áp 3 pha trong lưới phân phối dựa vào hệ thống năng lượng mặt trời áp mái…

PGS.TS Lê Tiến Dũng – Trưởng khoa Điện cho biết: “Những đề tài, ý tưởng của SV đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, SV nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp để hoàn thiện mô hình, ý tưởng. Xa hơn, có thể các em sẽ khởi nghiệp bằng chính những ý tưởng và sản phẩm của mình”.

Đề tài Nghiên cứu xử lý nước thải thủy sản bằng công nghệ nuôi trồng vi tảo, đã đoạt giải Nhất cuộc thi “tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới tại Việt Nam”. Cuộc thi do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức tổ chức.

Đây là công trình NCKH của SV Nguyễn Quốc Vương (ngành Công nghệ dầu khí, Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) và nhóm cộng sự thực hiện. Với vai trò hướng dẫn nhóm nghiên cứu, giảng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ: “Đây là đề tài được nhiều SV tham gia từ năm 2015 đến nay để có kết quả như hôm nay. Giải tưởng này là sự khởi đầu cho việc hiện thực hóa đưa kết quả NCKH vào thực tiễn”.

Với sự tham gia hướng dẫn, đánh giá của các doanh nghiệp, đề tài NCKH của SV ngày càng sát sườn hơn với thực tế cuộc sống, phục vụ trở lại cho quá trình dạy - học, bớt tính lý thuyết. Các trường ĐH đều xây dựng quỹ hỗ trợ SV NCKH. Cùng với việc thay đổi tiêu chí đánh giá công trình NCKH của SV, mức hỗ trợ kinh phí của các trường ĐH, nhất là các trường khối kỹ thuật - công nghệ, đối với công tác NCKH của SV đều căn cứ trên tính ứng dụng của đề tài.

Đề tài mang tính ứng dụng cao sẽ được hỗ trợ nhiều. Như Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), cùng với việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đã dành 1 tỷ đồng phát triển Quỹ hỗ trợ SV NCKH và sáng tạo khởi nghiệp hàng năm, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và các dự án sáng tạo khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ