SIGN IN – đăng nhập cùng phố xá

SIGN IN – đăng nhập cùng phố xá

(GD&TĐ) - Mong muốn được thể hiện bản thân, khẳng định mình với mọi người là nhu cầu chính đáng cũng là điều kiện để một người có thể phát triển toàn diện. Đối với giới teen, trong nhiều cách để nói lên bản thân thì “nghệ thuật đường phố” đã trở thành một phương tiện quen thuộc để các bạn thi thố và cống hiến… Sinh hoạtcủa nhóm SIGN IN gần đây ở đất Hà thành là một “phương tiện” như vậy.

Nghệ thuật đường phố

Sau phong trào “du ca đường phố”, hoạt động của các bạn trẻ nhóm SIGN IN trên đất thủ đô hiện cũng đáng được xem là một trào lưu giải trí khác của giới trẻ. Từ khi thành lập vào tháng 4.2010, đến nay nhóm đã “bành trướng” tròm trèm 200 thành viên, trong đó số thành viên hoạt động thường trực là khoảng 60 bạn. SIGN IN như là một gia đình tụ hội những bạn trẻ ở Hà thành yêu thích nghệ thuật: ca hát, nhảy, beat box, ảo thuật... Kể từ khi thành lập, nhóm vẫn thường xuyên duy trì tổ chức biểu diễn trên đường phố Hà Nội mỗi tháng một lần. Hiển nhiên các buổi biểu diễn đều được dàn dựng tạp kĩ gồm nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau nhưng phải nói là cực kì thu hút; không chỉ các bạn trẻ mà bất kì ai có nhu cầu giải trí đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Minh Dũng (sinh viên Đại học Thăng Long) cho biết: “Mình thấy nhiều bạn nhảy break-dance, biểu diễn beat-box hay vẽ graffiti trên các đường phố Hà Nội. Vẫn tưởng đó là những hành động bột phát nhưng sau này mới biết hóa ra là nghệ thuật đường phố của nhóm SIGN IN”.

 Hầu hết “nghệ sĩ” của SIGN IN đều là dân không chuyên. Các bạn là học sinh, sinh viên và bất kì ai có khả năng biểu diễn cộng với niềm đam mê thể hiện mình. Trên hết, điều làm SIGN IN nổi bật thoát khỏi phong trào của giới trẻ trước đây chính là ở mục đích hoạt động của nhóm. Trưởng nhóm Trần Xuân Tùng chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu thành lập, các thành viên đã thống nhất với nhau không hoạt động vì lợi nhuận, mọi chi phí đều do các thành viên tự nguyện đóng góp. Toàn bộ số tiền thu được sau buổi diễn và các khoản tài trợ khác sẽ được dành để làm từ thiện”. Tháng này qua tháng nọ, đến nay, nhóm đã tổ chức hơn 30 buổi diễn, mỗi buổi đều quyên góp được một số tiền, tuy không nhiều, nhưng đều là cái “trọng thị” từ tấm lòng người qua đường đến thưởng thức nghệ thuật và nét tài hoa của những nghệ sĩ đường phố.

Nghệ thuật đường phố - Street Art (hay một số người vẫn quen gọi là nghệ thuật bình dân) vốn là tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật, từ loại hình tĩnh như vẽ graffiti, điêu khắc, vẽ poster tranh ảnh… đến loại hình động như nhảy hip hop, break dance, ca hát hay thậm chí một số hình thức khác như xiếc, ảo thuật, biểu diễn tài năng lạ… Ở nhiều nước Âu – Mỹ, nghệ thuật đường phố đã hòa vào văn hóa chung của cộng đồng, phản ánh nếp sống và suy nghĩ của người dân địa phương nhưng ở Việt Nam thì chỉ mới manh nha như một phong trào của giới trẻ và vẫn đứng trước nhiều luồng quan điểm xã hội.

Gần đây nhóm SIGN IN đã dùng số tiền quyên góp được để ủng hộ một bé gái 4 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh là Đinh Thúy Kiều ở xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Việc làm này không chỉ giúp củng cố hình ảnh của nhóm trong lòng mọi người mà còn mang một thông điệp tích cực đến cho giới trẻ hiện nay. SIGN IN quả thực ngày càng lớn mạnh và nhận được nhiều sự ủng hộ nhờ vào mục đích hoạt động rõ ràng, cụ thể mang lại kết quả thiết thực cho cộng đồng xã hội. Trưởng nhóm chia sẻ: “Nhóm chia thành nhiều mảng riêng như truyền thông, dự án, biểu diễn, thiết kế, từ thiện… SIGN IN cũng có website riêng, logo riêng và hoạt động rất mạnh trên Facebook. Mục đích của nhóm là muốn đưa nghệ thuật đường phố tới gần hơn với công chúng và góp một phần nhỏ để dấy lên phong trào lá lành đùm lá rách”.

Ngẫm một chút

Phong trào nào với mục đích hướng thiện cũng đều tốt và rất đáng nhân rộng. Điều đó thì ai cũng công nhận nhưng với riêng SIGN IN thì… “nhọc nhằn” ở chỗ tìm ra cách thức để nghệ thuật đường phố vẫn là của… đường phố mà không bị biến thành nghệ thuật hàn lâm chính thức đi vào các rạp hát sang trọng. SIGN IN vừa mang lại sân chơi vừa hướng đến hoạt động cộng đồng nhưng thử nghĩ một chút: nếu phát động phong trào lớn hơn, nghĩa là tổ chức công khai, hoành tráng, quy mô hơn có bán vé có tài trợ hẳn hoi (hiển nhiên tiền vé dùng vào việc từ thiện) thì SIGN IN có còn mang trên mình “nhãn” nhóm nghệ sĩ đường phố không? Vấn đề là làm sao phải kết hợp cả hai hoặc nếu không “nâng cấp” thành chuyên nghiệp được thì có nên nhân lên về số lượng? Ở nhiều nước tiên tiến, các công ty chuyên hoạt động nghệ thuật đường phố ngày càng xuất hiện nhiều, giữ được tính nghệ thuật “đường phố” nhưng vẫn là biểu diễn chuyên nghiệp. Ngặt nỗi đã là công ty thì phải có lợi nhuận, hàng năm các công ty này thu được những khoản tiền kếch xù từ nghệ sĩ đường phố, nhiều người trong số họ cũng trở nên nổi tiếng nhờ hoạt động cho các công ty này.

Có thể nói SIGN IN vừa có cái hay lại vừa có cái bất cập, cái hay thì nhiều và ai cũng biết, còn cái bất cập chính là ở chỗ không biết làm thế nào để vừa có thể cải thiện tính chuyên nghiệp vừa giữ được nét mộc mạc bình dân đáng yêu và cũng đáng quý? 

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại ở VN thì có còn hơn không. Nói gì đi nữa, SIGN IN đã bắn một trong những phát súng đầu tiên khởi xướng các phong trào lành mạnh cho giới trẻ và góp thành quả tích cực cho xã hội. Có nên tổ chức chuyên nghiệp hơn không hay làm như thế nào cứ để thời gian trả lời theo quy luật sàng lọc tự nhiên. Còn bây giờ, các thành viên của SIGN IN đã “chuyên nghiệp” theo cách độc đáo của riêng mình. “Nghệ thuật” là từ để nói lên cái đẹp cũng để chỉ sự chuyên nghiệp, thông thạo, nhưng đâu ai nói rằng làm nghệ thuật thì phải đáp ứng tất cả?!  

Vinh Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ