Sĩ tử chuộng ôn đại học ở trường "nhà"

Thay vì rồng rắn lên Hà Nội chen chân vào lò luyện cấp tốc, mùa thi đại học năm nay, các sĩ tử có xu hướng ôn tập tại trường cấp 3 của mình.

Nguyễn Thị Mai (THPT ATK Tân Trào, Tuyên Quang) chọn cách ôn luyện tại nhà.
Nguyễn Thị Mai (THPT ATK Tân Trào, Tuyên Quang) chọn cách ôn luyện tại nhà.

Như bao sĩ tử khác, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (THPT Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) bắt tay ngay vào ôn đại học. Năm nay, Hoa thi khối C vào Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chỉ có một tháng để ôn nên Hoa vô cùng lo lắng. Em được một số anh chị sinh viên chỉ cho cách về Hà Nội vào lò ôn cấp tốc để được học với các thầy cô có nhiều kinh nghiệm luyện đại học. Nghe họ khuyên như vậy nhưng Hoa không "khăn gói quả mướp" lên thủ đô mà đến lớp ôn ở trường cấp 3 mình học và tự luyện tại nhà.

Cô nữ sinh chia sẻ, nếu lên Hà Nội ôn thi, có lẽ sẽ học được nhiều kiến thức, phương pháp giải bài hay bởi thầy cô có nhiều kinh nghiệm, thậm chí nhiều người từng ra đề thi đại học. 

Tuy nhiên, Hoa chỉ học ở nhà bởi: "Nhiều anh chị khóa trước ôn ở trường quê cũng đỗ điểm cao. Em nghĩ học ở đâu cũng được, quan trọng là mình nắm chắc kiến thức cơ bản thì việc vượt qua kỳ thi đại học sẽ đỡ khó khăn hơn".

Mẹ của Hoa, chị Lê Thị Tuyết rất ủng hộ quyết định ôn thi ở quê của con. Chị bảo, về Hà Nội dù tốn kém vợ chồng chị vẫn lo được nhưng còn những mối lo khác nhiều khi khó chia sẻ. "Đường xá ở đấy lúc nào cũng xe cộ tấp nấp. 

Con mình ở quê đi lại không quen, chỉ lo nó lớ ngớ lạc đường hoặc bị tai nạn. Các lò luyện ở Hà Nội cũng nổi tiếng đông đúc, nóng nực, chui vào đấy học vất vả mà chắc gì đã hiệu quả", chị Tuyết nói.

Trần Mạnh Cường (THPT Nghĩa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và hầu hết bạn cùng lớp đều ở lại ôn thi đại học với các thầy cô đã gắn bó với mình suốt 3 năm cấp 3. "Học với thầy cô giáo quen thuộc sẽ dễ hỏi bài hơn. Lò ôn trên Hà Nội đông đúc, các thầy cũng chẳng quan tâm tới từng người được", Cường tâm sự.

Thí sinh thi khối D1 của ĐH Thăng Long, Hà Nội này chia sẻ thêm rằng, đề Toán đại học gần đây đều ra vào các kiến thức rất cơ bản, bám sát chương trình sách giáo khoa nên chỉ cần tự ôn cũng có thể được 6-7 điểm. Môn Văn đề “dễ thở” hơn. 

Kiến thức trong đề thi tiếng Anh trải đều từ lớp 8 đến 12 nên vào lò luyện chỉ một tháng sẽ khó hiệu quả. "Tự học từ vựng, nắm chắc kiến thức và làm nhiều dạng bài, luyện nhiều đề sẽ tốt hơn", Cường nói.

Thay vì vào lò luyện thi ở Hà Nội để được các thầy cô dạy cho nhiều phương pháp giải bài hay, Bùi Thu Thủy (lớp 12A3, THPT Xuân Trường B, thị trấn Xuân Trường, Nam Định) chọn cách học theo sách tham khảo. "Trong đó cũng có nhiều dạng đề và cách giải thú vị. Học như thế vừa hiệu quả lại đỡ tốn kém hơn", Thủy phân tích.

Nữ sinh này cho rằng, hầu hết các lò luyện cấp tốc chỉ ôn kiến thức cơ bản mà những cái đó thầy cô trường nhà đều cung cấp được. Do đó, để ôn luyện thoải mái, Thủy học Toán, Anh ở trường cấp 3 của mình. Riêng môn Lý, trong năm học, em đã ôn trong lò luyện của huyện. "Ở trường, mỗi phiếu 200.000 đồng sẽ được học 20 buổi. 

Trong khi ở lò với 200.000 đồng ấy, em chỉ học được 12 buổi thôi. Lớp cũng rất chật chội, nhét khoảng 200 bạn. Vào lò luyện cấp tốc ở Hà Nội chắc còn đắt đỏ và chật chội hơn nữa", Thủy cho biết.

Theo nữ sinh này, khoảng 10% học sinh cuối cấp của THPT Xuân Trường B về Hà Nội học. Số còn lại ôn thi tại trường hoặc vào lò ở huyện và thành phố.

Sau gần một tháng ôn ở trường nhà, Thủy tự tin mình nắm chắc 80% kiến thức và sẵn sàng vượt vũ môn. Năm nay, nữ sinh này thi khối A1 vào đại học Ngân hàng và D1 vào Học viện cảnh sát.

Ngoài phong trào "ôn đại học ở trường nhà", nhiều sĩ tử chọn cách ở nhà tự ôn theo sách giáo khoa và Internet. Hoàng Nhật Minh, thí sinh thi khối C vào Học viện An ninh là một trường hợp như thế.

Theo Minh, các khối thi của mình quan trọng nhất là nắm vững kiến thức cơ bản, sau đó là cách diễn đạt logic, dễ hiểu, truyền cảm. "Kiến thức cơ bản đã được tích lũy trong năm học chứ một tháng ôn thi, dù nhồi đến mấy cũng không hết được núi kiến thức đồ sộ của các môn Văn, Sử, Địa. 

Một tháng này, mình chỉ cần đọc lại bài giảng của thầy cô để nắm được chắc hơn các nội dung", Minh phân tích. Để diễn đạt câu mượt mà, trôi chảy, hằng ngày Minh lên mạng đọc các bài Văn, Sử tham khảo. 

Qua Internet, Minh cũng tìm kiếm được nhiều đề thi có sẵn dàn ý làm bài. Những chỗ khó hiểu, em vào một vài forum luyện thi đại học để hỏi các thầy, anh chị khóa trước.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ