Sáng chế thiết thực của học sinh lớp 12 từ cây dã quỳ

GD&TĐ - Với sáng chế sử dụng cây dã quỳ làm nguồn phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây rau, người nông dân đã có thể tận dụng tối đa loại cây phổ biến ở Tây Nguyên để phục vụ trồng rau sạch, an toàn với chi phí rẻ.

Sáng chế thiết thực của học sinh lớp 12 từ cây dã quỳ

Ý tưởng xuất phát từ thực tế

Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm, Trần Hoàng Quân và Bùi Thị Hiền - học sinh lớp 12 A1 Trường THPT Trường Chinh – Gia Lai - với sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh đã thành công với đề tài: “Sử dụng cây dã quỳ làm nguồn phân bón và phòng trừ sâu hại, nhằm nâng cao năng suất rau cải xanh và cải ngồng”.

Với ý tưởng sáng tạo, dùng loại cây hoa dã quỳ có rất nhiều tại Tây Nguyên làm phân và thuốc, đây được xem là một đề tài có tiềm năng ứng dụng, giúp nông dân thay thế phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu nhằm đem lại rau sạch, an toàn trong thời điểm hiện nay.

Trao đổi về ý tưởng, em Trần Hoàng Quân say mê kể: “Ý tưởng xuất phát từ chính trong gia đình em. Những giờ tan học, em thường xuyên phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Cứ vào mỗi vụ bón phân, nhà em và các gia đình nông dân trong xã thường xuyên đến các đại lý phân bón mua chịu về bón cho cây, trong đó có cây rau. Em thấy, chi phí từ phân bón và thuốc trừ sâu chiếm rất nhiều trong đầu tư sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Từ đó, em nghĩ đến việc tận dụng các loại cây xanh phổ biến ở Tây Nguyên để làm phân bón hữu cơ thay dần phân bón vô cơ. Đồng thời, em cũng nghĩ đến các chiết xuất từ cây xanh để phòng trừ sâu bệnh cho rau xanh.

Giải thích rõ hơn về các bước thực hiện đề tài, Trần Hoàng Quân cho biết, em đọc qua sách báo, thấy cây hoa dã quỳ có chứa nhiều chất dinh dưỡng phù hợp với rau xanh, đồng thời nó cũng có mùi cay, nồng, đắng có thể dùng phun vào rau giảm thiểu sâu bệnh. Từ đó em đưa ra ý tưởng của mình rồi nhờ cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh hướng dẫn.

Với sự giúp sức của bạn đồng hành là Bùi Thị Hiền cùng sự hướng dẫn tận tình của cô Hạnh, Quân bắt tay đi thu gom cây hoa dã quỳ. Khi gom đủ, Quân cùng Hiền chặt nhỏ, rồi dùng chế phẩm vi sinh Trichoderma Achacomix theo tỷ lệ nhất định để ủ.

Khoảng 2 tuần, phân bón từ cây dã quỳ được đưa vào thực nghiệm ngay tại vườn hoa thanh niên của trường. Qua vài lần thất bại vì nguyên nhân khách quan, sản phẩm phân bón từ cây dã quỳ cuối cùng cũng cho những luống rau xanh tốt.

Để hạn chế sâu bệnh, Quân cũng đã thực hiện chiết xuất từ cây dã quỳ làm dung dịch phun lên cây rau để phòng trừ sâu bệnh. Nhờ phun dung dịch lên rau, vườn rau thanh niên của nhà trường từ khi thực nghiệm đến khi thu hoạch không phải dùng thuốc trừ sâu.

Đề tài đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân

Để minh chứng cho hiệu quả, Quân và Hiền đã tìm đến từng hộ trồng rau thuyết phục họ ứng dụng mô hình của mình. Ban đầu, các hộ cũng dè dặt chỉ dám thử nghiệm trên 1 vài luống rau. Nhưng với chi phí thấp, thời gian thu hoạch rút ngắn, rau lại năng suất so với trồng theo mô hình trước đây nên các hộ bắt đầu tin tưởng sử dụng sản phẩm của 2 học sinh.

Anh Bùi Xuân Bắc – 1 hộ trồng rau tại thị trấn Chư Sê (Huyện Chư Sê) - đánh giá về đề tài của 2 học sinh: Nhà tôi có trồng 800m2 rau cải để bán. Khi nghe các học sinh giải thích về ứng dụng của loại phân và dung dịch từ hoa dã quỳ, tôi thấy khả thi. Sau đó, tôi làm theo hướng dẫn trên vườn rau nhà mình. Đến ngày thu hoạch, tính toán lại thấy năng suất tăng khoảng 15% so với trước đây, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều.

Nói về đề tài của học sinh Trần Hoàng Quân, cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh cho biết: Để sử dụng phân hữu cơ bón cho rau, người nông dân phải trả khoảng 800 nghìn đồng/khối. Tuy nhiên, với ý tưởng của em Quân, chỉ cần dùng cây dã quỳ để làm phân bón với chi phí rất thấp. Một tấn phân bón từ loài cây dã quỳ, ngoài công ra chỉ mất có 45 nghìn đồng tiền mua chế phẩm vi sinh, sau 2 tuần là có thể bón cho rau.

Còn dung dịch chiết xuất từ dã quỳ phun lên cây rau làm rất đơn giản, không tốn kém nhưng hiệu quả cao. Cách làm thì rất đơn giản, mọi người dân ai cũng đều có thể tự chế ra và sử dụng đại trà.

“Để đề tài không chỉ nằm trên sách vở mà được ứng dụng thực tế, chúng tôi đã cho đem mẫu đi phân tích ở TP HCM về hàm lượng các chất dinh dưỡng. Không chỉ tôi, mà nhiều người có chuyên môn sau khi xem kết quả phân tích cũng phải thừa nhận tính ứng dụng của phân bón và dung dịch chiết xuất từ cây dã quỳ” - cô Hạnh nhấn mạnh.

Nhờ sự giúp sức của cô giáo và bạn đồng hành, Quân đã đưa đề tài đi thi và giành giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2015-2016, sau đó đề tài cũng cũng "ẵm" luôn giải nhì cấp quốc gia. Nhưng đối với 2 học sinh, giải thưởng cao quý nhất là đề tài của mình là có tính ứng dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả về kinh tế cho bà con nông dân.

Ghi nhận những kết quả của Quân và Hiền, mới đây, Bộ GD&ĐT đã khen thưởng 2 em tại Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020”.

Sáng chế thiết thực của học sinh lớp 12 từ cây dã quỳ ảnh 1Sáng chế thiết thực của học sinh lớp 12 từ cây dã quỳ ảnh 2Sáng chế thiết thực của học sinh lớp 12 từ cây dã quỳ ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ