Quyết tâm đổi mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10, các trường THPT xác định rõ cả thuận lợi và khó khăn.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Có thể nói, cơ sở giáo dục đã cố gắng chuẩn bị chu đáo nhất trong điều kiện có thể để người học được thụ hưởng những tiến bộ của chương trình mới. Sự chủ động, linh hoạt của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng giúp việc triển khai nhanh chóng đi vào nền nếp. Các nhóm môn lựa chọn sớm được xây dựng hướng tới đáp ứng cao nhất nguyện vọng của người học; đồng thời phù hợp với nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất có thể đáp ứng của nhà trường.

Nhiều hình thức tư vấn được thực hiện trước khi học sinh ra quyết định cuối cùng. Công bố càng sớm, sự đồng hành của thầy cô, nhà trường càng chu đáo, trách nhiệm. Học sinh càng có nhiều thời gian để suy nghĩ, cân nhắc, tự nhận thức được năng lực, sở trường của bản thân; hướng đến việc gắn bó với những môn học mình lựa chọn trong 3 năm THPT và phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này. Có lẽ thực hiện tốt điều này, nên ghi nhận ở nhiều trường, việc học sinh muốn thay đổi nguyện vọng sau khi ổn định lớp ít xảy ra.

Sự chủ động còn thể hiện ở việc xây dựng kế hoạch giáo dục không “đồng phục” giữa các nhà trường; thời khóa biểu cũng được sắp xếp linh hoạt. Người chịu trách nhiệm trong tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục là hiệu trưởng; làm sao bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học ở mỗi học kỳ một cách hợp lý, khoa học.

Mục tiêu quan trọng của Chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động; ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân. Do đó, khi xây dựng kế hoạch giáo dục, các nhà trường đã chú trọng tăng cường các nội dung mang tính thực hành, ứng dụng, áp dụng hình thức tổ chức dạy học tích cực.

Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn khi triển khai chương trình mới với lớp 10 năm nay; trong đó những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu về đội ngũ đã được nói đến rất nhiều. Trong điều kiện như vậy, làm sao để triển khai được hiệu quả?

Trả lời câu hỏi này, nhiều thầy cô cùng chung quan điểm: Cần đổi mới tư duy quản lý; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Theo đó, hiệu trưởng - người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường - cần vững vàng chuyên môn, tâm huyết, tiên phong trong đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức dạy học theo hướng giao quyền chủ động cho giáo viên; tạo điều kiện để thầy cô giảm được áp lực không cần thiết, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong dạy học.

Giáo viên - lực lượng quan trọng quyết định thành công đổi mới - không thể không thấu hiểu về chương trình. Từ hiểu, nắm vững có thể kiên định và sẵn sàng chấp nhận khó khăn, vất vả, nỗ lực tự học hỏi, đổi mới đáp ứng tốt nhất theo yêu cầu của chương trình. Khi thầy cô hiểu biết sâu sắc về mục tiêu dạy học, nội dung học tập, học sinh,… chắc chắn sẽ tạo ra cảm hứng sáng tạo, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá; đem lại những khởi sắc trong hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ