Tổ chức dạy học lớp 10 Chương trình mới: Thay đổi tư duy xếp lớp

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, học sinh (HS) lớp 10 được lựa chọn môn học dẫn đến cách xếp lớp tại nhà trường có thay đổi. Việc xếp lớp cố gắng đáp ứng theo nguyện vọng môn học mà HS đăng ký; đồng thời cân đối để phù hợp với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa trong giờ học.
Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa trong giờ học.

Nhiều công sức hơn trong sắp xếp lớp học

Những năm học trước, việc xếp lớp khối 10 tại Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên - Huế, theo 2 hướng rõ ràng là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trên cơ sở đăng ký của HS sau khi được nhà trường tư vấn, định hướng. Việc phân chia lớp như vậy nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho HS sau này thi tốt nghiệp THPT (HS lớp khoa học tự nhiên thường định hướng chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; HS lớp khoa học xã hội thường định hướng chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội) cũng như việc xét tuyển, thi tuyển vào các trường đại học.

Chương trình học là giống nhau, chỉ khác là lớp thiên về khối nào, nhà trường sẽ tăng thời lượng tiết ở một số môn học, giúp HS củng cố, nâng cao kiến thức (lớp tự nhiên sẽ tăng tiết Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; lớp xã hội tăng tiết Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

“Với khối lớp 10 năm học 2022 - 2023, trường xây dựng 6 tổ hợp môn, mỗi tổ hợp dự kiến có 2 lớp. Nhưng đây mới là dự kiến, bởi việc chia lớp phụ thuộc vào số HS đăng ký, mà trường lại không chủ động được vấn đề này. Sẽ là tối ưu nếu mỗi tổ hợp có khoảng 80 - 90 HS; nhưng sẽ khó khăn khi số đăng ký vượt quá hoặc ít hơn con số này.

Trường hợp đó, nhà trường phải dùng các biện pháp để điều chỉnh (tư vấn HS chuyển tổ hợp dựa trên điểm học bạ THCS, điểm thi vào lớp 10), tinh thần là trao đổi để có được sự đồng thuận của HS, phụ huynh. Nếu một tổ hợp có quá ít HS đăng ký thì nhà trường không thể tổ chức lớp”, thầy Nguyễn Ngọc Hiền trao đổi.

Việc xếp lớp với khối 10 mọi năm cơ bản đơn giản và nhà trường có thể chủ động. Tuy nhiên, với đặc thù HS được chọn môn học như năm nay, thầy Nguyễn Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn, cho biết, việc xếp lớp phức tạp hơn nhiều.

Tại Trường THPT Ngô Quyền (đảo Phú Quý, Bình Thuận), với 8 lớp 10 năm học 2022 - 2023, trên cơ sở đội ngũ giáo viên hiện có, nhà trường đưa ra 3 tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập. Theo thầy Hoàng Anh, Phó Hiệu trưởng, mỗi HS phải đăng ký 3 nguyện vọng (ứng với 3 nhóm lớp, mỗi nguyện vọng là 1 nhóm) và xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3.

HS đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không xét các nguyện vọng còn lại. HS không trúng tuyển nguyện vọng 1 mới xét nguyện vọng 2. Nếu HS trúng tuyển nguyện vọng 2 thì không xét nguyện vọng 3. HS không trúng tuyển các nguyện vọng 1, 2 mới xét nguyện vọng 3. Cách làm này, thuận lợi là HS được chọn các môn học phù hợp với khả năng, thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, với đặc thù trường ở huyện đảo, đa số HS có thế mạnh ở các môn xã hội, nhưng số lượng giáo viên tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) nhiều hơn các môn xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật) nên nhà trường khó khăn trong bố trí, sắp xếp dạy học để phát huy thế mạnh của HS. Việc cho HS lựa chọn tổ hợp môn cũng làm cho nhà trường bị động trong các phương án sắp xếp, bố trí giáo viên dạy theo kế hoạch ban đầu.

Dự kiến số lớp theo từng tổ hợp lựa chọn của Trường THPT Đặng Trần Côn.

Dự kiến số lớp theo từng tổ hợp lựa chọn của Trường THPT Đặng Trần Côn.

Ưu tiên xếp lớp theo nguyện vọng

Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), chia sẻ kinh nghiệm xếp lớp 10 năm học 2022 - 2023 với 6 bước. Theo đó, đầu tiên là thống kê số lượng HS đăng ký theo các môn học lựa chọn để tính toán số lớp, số HS từng lớp.

Thực hiện điều chỉnh số HS cho các lớp: Tổ hợp một số môn ít HS đăng ký thì điều chuyển sang tổ hợp gần; ưu tiên cho những HS đăng ký môn tổ hợp sớm (điều này có trong kế hoạch tuyển sinh lớp 10). Tiếp đến, sắp xếp HS (trong tổ hợp môn) theo điểm tuyển lớp 10 từ cao xuống thấp; phân bố lần lượt vào từng lớp (nhằm bảo đảm lớp nào cũng có HS giỏi, khá, trung bình...).

Sắp xếp những HS không lên lớp vào đều các lớp (theo đăng ký môn lựa chọn của HS). Bước tiếp là cân đối số lượng HS các lớp. Thông báo dự thảo danh sách cho HS, cha mẹ HS; gửi cho cán bộ, giáo viên toàn trường để xin ý kiến. Cuối cùng, điều chỉnh và công bố chính thức trước khi tập trung HS cho năm học mới.

“Có thể thấy, điểm khác biệt năm học này nằm ở “tổ hợp môn học lựa chọn” của HS. Cách làm của trường là ưu tiên sắp lớp theo nguyện vọng (môn học lựa chọn mà HS đăng ký) và thông báo công khai để HS, cha mẹ HS có ý kiến điều chỉnh. Dù nhà trường có cân đối để phù hợp với cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhưng vẫn bảo đảm có sự đồng thuận của các em và gia đình.

Thời gian sau công bố dự thảo danh sách lớp, lãnh đạo trường và bộ phận văn phòng thực hiện tư vấn cho HS, cha mẹ HS, nhất là những em do nhà trường điều chỉnh sang tổ hợp gần với nguyện vọng”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho hay.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, cũng gợi ý quy trình 4 bước để chia lớp. Bước đầu tiên là xác định số lớp 10 trong trường, sao cho mỗi lớp không quá 45 HS (và không dưới 30 em). Dựa theo số lượng giáo viên; tiến hành đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị và học liệu hiện có của nhà trường; xây dựng các chuyên đề học tập nhằm dạy học sâu hơn và làm tăng phân hóa khả năng học tập của HS.

Bước tiếp theo, xác định số khối lớp theo định hướng nghề nghiệp và thế mạnh của từng trường; xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện hiện có. Thông thường mỗi trường nên có 2 hoặc 3 khối lớp và có từ 3 tới 6 tổ hợp các môn học lựa chọn.

Sau đó, tổ chức hội nghị tư vấn mở, dưới dạng ngày hội về lựa chọn khối, lớp cho HS và cha mẹ HS. Nhà trường cần phân tích sâu sắc các tổ hợp lựa chọn, đặc trưng của từng tổ hợp tự chọn có liên quan tới khối thi và học nghề sau khi các em tốt nghiệp THPT. Tại hội nghị tư vấn, nhà trường công bố, phân tích kết quả khảo sát, đánh giá sơ khảo khả năng từng HS so với yêu cầu của các tổ hợp môn lựa chọn. Nhấn mạnh tới thế mạnh của các khối lớp 10 có thể bao quát rất nhiều ngành nghề khác nhau để HS định hướng nghề nghiệp sau này.

Cuối cùng, tổ chức cho HS ghi phiếu nguyện vọng vào học theo các tổ hợp môn học tự chọn; tập hợp kết quả ghi phiếu và xem xét điều chỉnh nguyện vọng; công bố danh sách HS các lớp khối 10.

Thầy Nguyễn Ngọc Hiền thông tin, đặc thù của trường là sĩ số HS có biến động mỗi năm, do một số em đang học thì có nhu cầu chuyển sang học nghề. Bởi vậy, nếu mỗi tổ hợp chỉ để 1 lớp; trong trường hợp HS chuyển đi, sĩ số trên lớp quá ít, khó khăn cho công tác tổ chức dạy học của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.