Linh hoạt sắp xếp giáo viên giảng dạy chương trình lớp 10 mới

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, các trường THPT thực hiện dạy theo chương trình mới lớp 10. Chia sẻ của hiệu trưởng nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM, sau khi học sinh lớp 10 làm thủ tục nhập học và chọn tổ hợp các môn học, nhà trường đã nỗ lực bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên.

Phụ huynh được giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tư vấn về chọn tổ hợp môn lớp 10.
Phụ huynh được giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tư vấn về chọn tổ hợp môn lớp 10.

Học sinh thiên về khối tự nhiên

Chương trình mới ở cấp THPT với lớp 10 có sự thay đổi rõ rệt theo định hướng giáo dục nghề nghiệp. Học sinh sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4), cho biết, năm học 2022 - 2023 toàn trường có 762 học sinh khối lớp 10 với 16 lớp. Sau khi sắp xếp theo các nguyện vọng 1, 2, 3 cho thấy các em chọn nhiều nhất là khối tự nhiên với các môn Toán, Vật lý, Hóa học. Nhiều thứ hai là khối các môn Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Không có nhiều em chọn môn Sinh học và Công nghệ.

Tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), lúc đầu trường đưa ra nhiều tổ hợp, nhưng hiện rút lại còn 2 tổ hợp gồm: Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học có 14 lớp và tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học có 3 lớp.

“Trong quá trình tư vấn, phụ huynh cũng thẳng thắn chia sẻ, sở dĩ chọn cho con tổ hợp Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh là bởi có 4 môn tự nhiên và 4 môn xã hội sẽ bao hàm hết tất cả khối thi truyền thống. Còn tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học thì 3 môn đầu là môn truyền thống, còn Tin học nếu được học ở phổ thông khi lên đại học sẽ thuận lợi hơn”, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Năm học 2022 - 2023, khối 10 của Trường THPT Phong Phú (Bình Chánh) có 5 lớp thuộc khối tự nhiên và 3 lớp khối xã hội. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Tâm cho hay, việc tổ chức các tổ hợp môn tự chọn trên cơ sở nhân sự, điều kiện thực tiễn nên nếu không có nguồn tuyển, trường sẽ không triển khai.

Do đó, năm học mới này nhà trường không triển khai dạy môn Mỹ thuật và Âm nhạc vì không có giáo viên. Trường thực hiện giảng dạy 2 môn tự chọn là Tin học và Công nghệ. Trong đó môn Tin học được học từ những năm trước, rất có lợi cho học sinh trong việc học tập chương trình mới.

“Năm đầu tiên giảng dạy chương trình mới, nhà trường không gặp nhiều trở ngại, bởi giáo viên được tập huấn trước đó. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ cho con em, nhiều phụ huynh vẫn chưa nắm rõ các môn học trong chương trình lớp 10 mới nên cũng gặp không ít khó khăn khi lựa chọn tổ hợp”, cô Tâm cho hay.

Cân bằng giờ dạy

Thực tế khó khăn tại nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM đang gặp phải là có tổ hợp nhiều học sinh chọn, trường loay hoay sắp xếp giáo viên nhưng lại có môn, tổ hợp ít học sinh chọn. Theo chia sẻ của thầy Đỗ Đình Đảo, việc chọn nhiều hay ít một môn trong số các môn tự chọn dẫn đến tình trạng có giáo viên rất ít giờ dạy và ngược lại có thầy cô lại quá tải.

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức ngày hội tư vấn chọn môn học cho phụ huynh và học sinh.

Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ tổ chức ngày hội tư vấn chọn môn học cho phụ huynh và học sinh.

“Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã dự trù tình huống thầy cô nào có ít lớp, ít giờ dạy sẽ tham gia tập huấn thêm để giảng dạy hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp và Giáo dục địa phương. Chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn, giải thích cho các thầy cô việc lựa chọn các môn học phụ thuộc đam mê, định hướng nghề nghiệp của học sinh. Thậm chí, phải dự trù cả trường hợp sau nhiều năm nữa, sẽ có rất ít học sinh chọn môn mình dạy”, thầy Đảo chia sẻ.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho hay, sau khi học sinh đăng ký tổ hợp môn, Trường THPT Nguyễn Du dư cục bộ các thầy cô môn Công nghệ, Tin học và Giáo dục công dân. Nhưng may mắn là có hoạt động Trải nghiệm hướng nghiệp và Giáo dục địa phương nên các giáo viên này sẽ tham gia giảng dạy. Mặt khác, lớp 11 và 12 vẫn học các môn đó nên hiện nay, giáo viên thấy dư nên nhà trường vẫn sắp xếp đủ số tiết cho các thầy cô của năm nay. Nhưng năm sau chắc chắn số dư sẽ rất nhiều.

“Đó chỉ là giải pháp tình thế của trường, bởi khi giáo viên không được đào tạo chính quy thì học sinh cũng chịu những thiệt thòi và chính thầy cô gặp phải những rào cản từ phụ huynh khi nhà trường phân những người không đúng chuyên môn, sở trường giảng dạy. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá tốt nhưng số môn để thực hiện sẽ không được trọn vẹn, đặc biệt là với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật... Cơ sở vật chất và cả giáo viên của không ít trường cũng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học là thực tế mà nhiều trường phải đối diện”, thầy Phú nhấn mạnh.

“Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) là một trong 24 đơn vị được giao quyền tự chủ trong phân cấp tuyển dụng giáo viên. Thiếu 7 giáo viên, nhà trường đã tổ chức tuyển dụng đủ nhân sự để bổ sung kịp thời. Việc tự chủ trong tuyển dụng đã giúp nhà trường không chỉ chọn đủ giáo viên, mà người đúng chất lượng mới tuyển dụng, sát với thực tế nhu cầu” - thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ