Hà Nội: Chủ động các giải pháp thực hiện chương trình lớp 10 mới

GD&TĐ - Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động thực hiện các giải pháp để thực hiện tốt ngay từ năm đầu tiên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT. Một trong những yêu cầu Sở GD&ĐT đặt ra đối với các nhà trường là chủ động các giải pháp thực hiện chương trình lớp 10 mới.

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với các khối lớp còn lại vào các năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học chất lượng; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng; đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các nhà trường tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tập trung tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch năm học 2022-2023; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và trong cụm trường. Đồng thời, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên…

Toàn thành phố hiện có 236 trường THPT với hơn 262.000 học sinh. Trong đó có 118 trường công lập, 14 trường công lập tự chủ và 104 trường tư thục. Tỷ lệ trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 66%.

Năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19, tổ chức dạy học linh hoạt, hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,27%. Điểm trung bình một số môn thi được cải thiện: Môn lịch sử tăng 1,63 điểm; môn hoá học tăng 0,026 điểm; môn vật lý tăng 0,083 điểm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ