Xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xây dựng văn học đường
Ở bước này, theo GS Thái Văn Thành, cần xác định mục tiêu xây dựng văn học đường; mô tả thực trạng văn hóa hiện tại của trường trên những điểm mạnh, điểm yếu của nó; xây dựng chương trình hoạt động.
Kế hoạch cần cụ thể, chi tiết tới từng việc, từng người, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được kế hoạch đó.
Việc xây dựng kế hoạch xây dựng văn hóa học đường cần được thực hiện theo quy trình 5 bước:
Bước 1: Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển văn hóa học đường;
Bước 2: Xác định giá trị cốt lõi, xây dựng tầm nhìn của nhà trường;
Bước 3: Xác định hệ thống nhiệm vụ, chương trình hành động, hoạt động xây dựng văn hóa học đường;
Bước 4: Lựa chọn mô hình phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn nhà trường;
Bước 5: Lập kế hoạch phát triển văn hóa nhà trường.
Để thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường, cần phải có các nguồn lực thích hợp. Nếu không bố trí đúng, đủ các nguồn lực thì việc thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường sẽ rất khó khăn. Do đó, hiệu trưởng cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý và khai thác các nguồn lực khác phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường.
Để thực hiện giải pháp này có hiệu quả, đòi hỏi hiệu trưởng phải có kĩ năng chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa học đường; dành kinh phí thích hợp cho thực hiện kế hoạch.
Tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng văn hóa học đường
Ở bước này, GS Thái Văn Thành cho rằng, người hiệu trưởng cần quán triệt và triển khai kế hoạch đến từng bộ phận, thành viên của nhà trường để tổ chức thực hiện.
Giao nhiệm vụ và hướng dẫn giáo viên dựa vào kế hoạch của nhà trường, tình hình thực tế của học sinh, điều kiện của từng lớp và mục tiêu, nội dung của chương trình giáo dục để xây dựng kế hoạch chuyên môn, chuyên đề xây dựng văn hóa sao cho phù hợp với khả năng của học sinh.
Cùng với việc duyệt và kiểm tra thực hiện kế hoạch để đảm bảo chương trình hoạt động được thực hiện đầy đủ, sáng tạo, hiệu trưởng cần chỉ đạo giáo viên phối kết hợp với các bên liên quan, cha mẹ học sinh để thống nhất việc thực hiện chương trình hoạt động xây dựng văn hóa học đường. Đồng thời, cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xây dựng văn hóa nhà trường cho đội ngũ giáo viên.
Kiểm tra, đánh giá thực hiện kế hoạch
Hiệu trưởng phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng văn hóa học đường của giáo viên và các tổ chức trong nhà trường; đánh giá văn hóa nhà trường, việc thực hiện kế hoạch xây dựng văn hóa học đường và thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại; đặc biệt là các giá trị học tập không ngừng và thay đổi thường xuyên.
Việc truyền bá các giá trị mới cho mọi thành viên trong nhà trường cần được coi trọng song song với việc duy trì những giá trị, chuẩn mực tốt đã xây dựng được và loại bỏ những chuẩn mực, giá trị cũ lỗi thời hoặc gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho tiến trình phát triển của văn hóa học đường.
Tạo các công cụ để phụ huynh có thể góp ý về các hoạt động của nhà trường như số điện thoại đường dây nóng, sổ liên lạc điện tử, email, nhóm zalo, facebook, hộp thư góp ý tại trường, trả lời các thắc mắc và phản hồi ý kiến của phụ huynh trong thời gian nhanh nhất.
Cải tiến liên tục nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa học đường
Với bước này, GS Thái Văn Thành nhấn mạnh hiệu trưởng cần thường xuyên liên hệ với phụ huynh, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cấp trên để tiếp nhận ý kiến phản hồi của họ về việc phát triển văn hóa học đường, từ đó nhà trường có những điều chỉnh cho phù hợp.
Cùng với đó, thường xuyên cải tiến hoạt động, thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại cho nhà trường, góp phần phát triển văn hóa nhà trường phổ thông.
Việc xây dựng quy trình phát triển văn học đường nhằm thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường cần kết hợp chu trình Plan - Do - Check - Act (PDCA) và tư duy dựa trên rủi ro. Điều này để đảm bảo rằng các quá trình của nhà trường có đủ nguồn lực để thực hiện, được quản lý đầy đủ và các cơ hội để cải tiến chất lượng văn hóa được xác định và thực hiện; cũng như cho phép nhà trường xác định các yếu tố có thể làm cho các quá trình và hệ thống quản lý văn hóa của trường đi chệch khỏi các kết quả dự kiến; đưa ra các biện pháp kiểm soát phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng tối đa các cơ hội khi chúng xuất hiện.