Văn hóa mạng, phần không thể tách rời của văn hóa học đường

GD&TĐ - Thời đại Internet, bối cảnh dịch bệnh khiến thầy trò phải chuyển đổi sang dạy học trực tuyến, đã có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường.

 Internet tạo ra không gian mới trong nhà trường. Ảnh minh họa: CT
Internet tạo ra không gian mới trong nhà trường. Ảnh minh họa: CT

Xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa, do đó không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng.

Không gian văn hóa mới trong trường học

Chia sẻ tại Hội nghị Giáo dục 2021 ngày 21/11, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông ICT, một không gian văn hóa mới đã hình thành trên mạng Internet, nơi cả thầy và trò cùng đến với các giá trị quan trọng, bao gồm sự hợp tác, chia sẻ, giao tiếp, sáng tạo. Với thế hệ Z, thế hệ lớn lên cùng với iPad, điện thoại thông minh, mạng xã hội và thế giới ảo, văn hóa mạng là một thành phần không thể thiếu tạo nên nền tảng tinh thần của họ.

Từ đó, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường. Quan điểm tương tự, theo ThS Nguyễn Minh Trung, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, việc xây dựng các quy định về văn hóa học đường rất cần thiết; đặc biệt trong môi trường dạy học trực tuyến càng cần có các quy định cụ thể, kịp thời để hình thành văn hóa cho cả người dạy và người học.

GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cũng nhận định: Văn hóa mạng có ảnh hưởng mạnh mẽ và to lớn tới văn hóa nhà trường. Bên cạnh việc học tập ở nhà trường, người học còn gia nhập vào một nền văn hóa khác có tác động mạnh hơn. Họ có thể tìm thấy sự an ủi, tin tưởng, niềm vui, học hỏi được khối lượng tri thức khổng lồ từ nền văn hóa ấy. Mặt khác, họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ văn hóa mạng.

Sáng tạo và tự tin đang là xu thế phát triển trong văn hóa học đường. Ảnh minh họa
Sáng tạo và tự tin đang là xu thế phát triển trong văn hóa học đường. Ảnh minh họa

Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh vào năm 2020 trên trẻ em tiểu học cho thấy: Từ 10% đến 20% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet và thực hiện thao tác truy cập, tìm kiếm trên các cổng thông tin, trang khác nhau. Với học sinh lớp 4, trên 15% em bắt đầu chơi Facebook cá nhân…

Môi trường mạng đang làm chuyển đổi toàn bộ cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp, vui chơi, giải trí của con người. Internet cũng thúc đẩy xu hướng tự do ngôn luận, bình đẳng thông tin và dân chủ hóa trên phạm vi toàn thế giới.

Chia sẻ thông tin này, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhận định: Bối cảnh chuyển đổi số cho thấy văn hóa số có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường. Do đó, xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Công nghệ thông tin tác động lớn đến sự thay đổi trong văn hóa học đường.
Công nghệ thông tin tác động lớn đến sự thay đổi trong văn hóa học đường.

Cấp thiết xây dựng văn hóa mạng

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Tuy vậy, Theo GS Huỳnh Văn Sơn, đây cũng chỉ là những quy định chung mang tính định hướng. Việc xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa cần bảo đảm thực thi bằng nhiều giải pháp; trong đó nhất thiết xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số.

“Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số, giải pháp quan trọng trước hết là phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả phổ biến này để đảm bảo việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021) hiệu quả. Cùng với đó, chú ý bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng.

Đồng thời, hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng Internet một cách chủ động. Tăng cường chức năng giám sát của bộ ngành có liên quan, nhất là biện pháp quản lý hệ thống, toàn cục. Cuối cùng, cần xây dựng chương trình hành động cụ thể gắn với các đề án hoặc đầu tư một đề án cụ thể, bài bản do Thủ tướng ra quyết định với sự tham gia và thực hiện của các bộ ngành là vấn đề cần quan tâm” - GS Huỳnh Văn Sơn đề xuất.

Khẳng định việc xây dựng một văn hóa học đường tích cực trở thành nhiệm vụ cấp thiết cần được triển khai ở cả cấp hệ thống và cấp trường, nhưng TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: Đây là lĩnh vực phức tạp bởi lẽ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin tạo nên văn hóa học đường chịu tác động của nhiều yếu tố (trong nhà và ngoài nhà trường). Đặc biệt, do nhà trường thường là một thiết chế bé nhỏ trong một hệ thống kinh tế - xã hội rộng lớn, nên các yếu tố bên ngoài có tác động nhiều khi mang tính chi phối đến việc hình thành và phát triển của văn hóa học đường.

Đề xuất một số khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh: Nhà nước cần sớm thống nhất về các kết quả nghiên cứu để chính thức ban hành hệ giá trị quốc gia, làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong khi chờ ban hành hệ giá trị quốc gia, ngành văn hóa cần sớm xây dựng và ban hành hệ giá trị gia đình Việt Nam, làm nền tảng cho việc xây dựng văn hóa gia đình.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đồng thời đặc biệt lưu ý, cùng với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường. Giới hạn trong phạm vi giáo dục nhà trường thì văn hóa mạng giờ đây có sự giao thoa với văn hóa học đường. Vì thế, ngành Giáo dục cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy và trò cùng chia sẻ, theo đuổi trong quan hệ ứng xử với không gian mạng, hướng đến văn hóa mạng tích cực đồng hành với văn hóa học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.