Những nỗ lực và điều còn trăn trở
Ông Nguyễn Đắc Vinh, khi tổng kết lại các ý kiến phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2021, cho rằng: Hội thảo đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa học đường trong rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một nhà trường với môi trường văn hóa lành mạnh sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp, sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Chủ trương về xây dựng môi trường văn hóa, trong đó có văn hóa trường học luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thời gian qua các cấp, các ngành nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng, đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Cụ thể như: triển khai các cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Trường học hạnh phúc”; xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học…
Những nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, việc tiếp cận một cách tổng thể về xây dựng văn hóa học đường, xây dựng hệ giá trị văn hóa trong trường học còn nhiều hạn chế, bất cập. Nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hoá học đường chưa thực sự hấp dẫn; bộ quy tắc ứng xử cần tiếp tục hoàn thiện để dễ nhớ, dễ thực hiện hơn.
Nhiều cơ sở giáo dục chưa hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua một cách đầy đủ, thực chất. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, chưa chặt chẽ, vai trò của các tổ chức quần chúng trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ.
Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa bảo đảm xanh, sạch, đẹp; ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới.
Kỷ cương nhà trường, sự gương mẫu của nhà giáo ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử, giao tiếp (nói và hành xử không đúng chuẩn mực văn hoá, bạo lực học đường,...); bệnh thành tích, hình thức, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để. Những biểu hiện thiếu chuẩn mực đã ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, sự phát triển toàn diện của học sinh.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trênđã được các đại biểu dự Hội thảo phân tích, nhận định.
Theo đó, quy định pháp lý cho việc tiếp cận tổng thể trong xây dựng văn hóa học đường còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn;chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam chưa được cụ thể hoá đầy đủ trong trường học.
Bên cạnh đó, môi trường giáo dục chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên trong và ngoài nhà trường như: thái độ thiếu gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận nhà giáo; mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, tác động mặt trái của môi trường mạng; sự thiếu quan tâm phối hợp, buông lỏng quản lý của gia đình.
Nhiều vấn đề đặt ra
Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức trong xây dựng hệ giá trị, môi trường văn hóa trong trường học, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề.
Trước hết là hệ giá trị con người Việt Nam phải được cụ thể hoá và thực hiện trong trường học; rèn luyện phẩm chất yêu nước, trung thực và sáng tạo; nhà giáo chuẩn mực gương mẫu; học sinh có nhân cách tốt, có ý thức học tập tốt và có hoài bão lớn.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các khái niệm; ý nghĩa, vai trò của văn hóa học đường. Hoàn thiện cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng văn hoá học đường.
Xây dựng kỷ cương trong trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện; có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Cần gắn chặt việc xây dựng văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhà giáo, hướng dẫn học sinh ứng xử chuẩn mực, có văn hoá trên không gian mạng.
Tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan đến văn hóa học đường
Về kiến nghị giải pháp, điều đầu tiên ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh là cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường.
Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng môi trường văn hóa học đường. Phát động phong trào thi đua xây dựng “nếp sống văn hóa”; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.
Tiếp đó, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến văn hóa học đường, trong đó có quy tắc ứng xử của nhà giáo, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục. Xây dựng thiết chế văn hóa học đường làm cơ sở cho định hình văn hóa trong trường học, nhất là hệ thống thư viện trong trường học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhắc tới việc phải đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, học sinh, sinh viên; khắc phục triệt để bệnh thành tích và thiếu trung thực trong giáo dục; ngăn ngừa bạo lực học đường.
Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Có giải pháp, cơ chế để huy động sự tham gia tích cực của gia đình. Nâng cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu nhà trường. Tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của các tổ chức đoàn, đội trong và ngoài nhà trường nhằm thu hút sự chủ động tham gia của học sinh, sinh viên trong xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Cuối cùng, cần tăng cường đầu tư, bảo đảm các thiết chế và điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm một sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục phù hợp; tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về văn hóa học đường.