Văn hóa học đường: Nền tảng căn bản để giáo dục phát triển

GD&TĐ -Để giáo dục làm tròn sứ mệnh xây dựng con người ngày càng văn minh, rất cần kiến tạo trên nền tảng văn hóa. Trong đó văn hóa học đường phải là “tiểu văn hóa” trung tâm, cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Văn hóa và giáo dục - mối quan hệ hữu cơ

Nhấn mạnh văn hóa và giáo dục không thể tách rời nhau, theo PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, văn hóa được xem là những giá trị tốt đẹp của dân tộc hay quốc gia; của gia đình, tổ chức hay của từng cá nhân. Chính văn hóa là đặc điểm để nhận diện quốc gia, tổ chức.

Để lưu truyền và phát triển văn hóa cộng đồng, dân tộc qua các thế hệ cũng như phát triển giá trị bản thân (văn hóa cá nhân) cần phải có giáo dục. Giáo dục trước tiên là khai tâm, rèn sức, mài trí, luyện ý chí, trải nghiệm để sống và sống tốt hơn.

Như vậy, giáo dục mang hàm nghĩa rộng nhưng cốt yếu, với cá nhân là hướng đến phát triển con người “có văn hóa”, với xã hội là gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa. Giáo dục để sống chính là thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Chính vì vậy, cách ứng xử với thiên nhiên và con người là văn hóa.

Giáo dục để sống tốt hơn là tốt hơn với chính mình ngày hôm qua, tức là sự phát triển. Giáo dục xác định mục tiêu là để con người sống và sống tốt hơn, có nghĩa là vừa hướng đến giải phóng cá nhân vừa giữ gìn giá trị chân-thiện-mĩ. Mỗi cá nhân có tố chất khác nhau, điều kiện sống khác nhau, nên gìn giữ được giá trị chung và phát triển theo những hướng riêng biệt, sáng tạo... Môi trường giáo dục như vậy sẽ không có hơn thua, đố kị. Đó chính là gìn giữ những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội...

“Giáo dục dựa trên nền tảng văn hóa và cũng nhằm phát triển nâng tầm văn hóa. Do đó giáo dục và văn hóa không thể tách rời nhau. Khi những chuẩn giá trị “ăn sâu vào máu thịt” của từng người sẽ làm cho văn hóa của dân tộc được trường tồn và phát huy. Khi văn hóa được gìn giữ, phát huy ắt sẽ làm cho xã hội phát triển lành mạnh, yên bình. Cho nên quốc gia nào xem trọng văn hóa và giáo dục, ở đó có xã hội thái bình và phát triển” - PGS.TS Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Văn hóa học đường: Nền tảng căn bản để giáo dục phát triển

Nếu xem giáo dục là công việc trồng và chăm sóc cây cối, thì môi trường sống của cây cối chính là văn hóa. Môi trường sống của cây cối do nhiều yếu tố cấu thành nên, trong đó có yếu tố thiết yếu và thứ yếu.

Tương tự như vậy, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng văn hóa của cá nhân được hình thành từ gia đình, xã hội và học đường... Trong đó, văn hóa học đường là “yếu tố thiết yếu” kết hợp với các đặc điểm riêng biệt từ gia đình, cộng đồng, tôn giáo khác nhau tạo nên những con người văn hóa của xã hội vừa có nét chung và vừa có nét riêng; tạo nên sắc màu đa dạng và không ngừng phát triển.

Văn hóa học đường được xác định trên giá trị chân-thiện-mĩ. Đó là nền tảng để giáo dục cá nhân, cộng đồng, tổ chức, dân tộc. gìn giữ giá trị nguyên bản. Tùy vào cấp học, bậc học mà nội dung chương trình được thiết kế khác nhau theo từng bậc thang năng lực, nhưng vẫn xoay quanh trụ cột giá trị cao quý đó.

“Cũng cần xác định rằng khoa học và công nghệ là rất cần thiết đối với giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh cách mạng khoa học và công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên đừng nên xem khoa học và công nghệ là yếu tố quyết định mọi vấn đề. Công nghệ là công cụ để triển khai giáo dục và đào tạo hiệu quả hơn. Khoa học là tri thức cần tiếp cận để phát triển tư duy và sáng tạo. Khoa học, nghệ thuật và đạo đức là ba yếu tố cần được xem xét trong mối quan hệ cân bằng để thiết kế giáo dục và xây dựng con người trên nền tảng văn hóa” - PGS.TS Võ Văn Minh trao đổi.

Khẳng định giáo dục trong nhà trường phải phát triển trên nền tảng văn hóa học đường, theo PGS.TS Võ Văn Minh, ngay lúc này cần phải phục dựng lại môi trường giáo dục - văn hóa học đường - thực sự lành mạnh. Đây là mấu chốt để giáo dục con người tương lai và làm cơ sở để thay đổi xã hội hiện tại theo hướng lành mạnh hơn.

Môi trường giáo dục phải thực sự dân chủ và kỉ cương. Tất cả các bên liên quan đến nhà trường và trong nhà trường đều phải tôn trọng nhau; cùng tôn trọng môi trường sống; tôn trọng văn hóa học đường; tôn trọng tính dân chủ và kỉ luật.

Kỉ luật nhà trường được thiết lập dựa trên nền tảng dân chủ và cùng tuân thủ. Khen thưởng được thực hiện một cách thực chất để động viên, khích lệ là chính và lấy đó làm động lực để giáo dục. Thầy cô có vai trò định hướng, tạo động lực để người học chủ động học, chủ động rèn luyện thể chất, trí tuệ; dưỡng bồi nhân cách, tiếp cận tri thức và sáng tạo. Như vậy, thiết lập và tôn trọng văn hóa học đường là điều kiện tiên quyết để tiến hành đổi mới giáo dục.

PGS.TS Võ Văn Minh đồng thời nhấn mạnh quan điểm: Trong giáo dục không có sự hơn-thua, đố-kị; thành tích là ghi nhận kết quả của từng cá nhân không ngừng rèn luyện, phấn đấu với chính mình để phát triển, chứ không phải so đo thành tích với người khác. Tương tự như vậy, khen thưởng, động viên tập thể, cá nhân thầy cô, viên chức, người lao động cũng dựa trên nền tảng đó.

Xã hội không ngừng phát triển. Những vấn đề phát sinh, bất cập trong xã hội không thời nào là không có. Tuy nhiên để gìn giữ được những giá trị tốt đẹp, hạn chế những bất cập nảy sinh rất cần một nền giáo dục và đào tạo thực sự chuẩn mực. Để giáo dục và đào tạo thực hiện đúng sứ mệnh của mình dựa trên “nền tảng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cần phải thiết lập văn hóa học đường chuẩn mực, đảm bảo các giá trị phổ quát về chân-thiện-mĩ và giá trị cốt lõi của văn hóa học đường nên khái quát ở một từ “tôn trọng” và cần truyền thông thông để toàn xã hội tôn trọng văn hóa học đường.

PGS.TS Võ Văn Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ