Xây dựng văn hóa học đường trước hết từ tinh thần thực thi pháp luật

GD&TĐ - Điều cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt để triển khai được văn hóa học đường, trước hết là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ nguyên tắc.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2021.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2021.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ điều này trong phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2021, chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/11.

Cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao ý nghĩa chủ đề của hội thảo; bởi văn hóa học đường là vấn đề vừa nóng, vừa sâu xa để hướng tới chất lượng, giá trị, đẳng cấp của trường học; qua đó phát triển giá trị con người trong mỗi học sinh.

Ghi nhận những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo đã lưu ý, khơi gợi, phân tích nhiều nội dung với góc nhìn đa chiều, đa dạng, qua đó cho thấy sự quan tâm, lo lắng đến nhiều vấn đề của giáo dục, với mong muốn trường học ngày càng tốt đẹp, học sinh được phát triển, hướng tới ngôi trường hạnh phúc, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, kể các ý kiến còn khác biệt, trái chiều; đồng thời sẽ bàn thảo, lấy ý kiến thêm để hình thành chính sách, chỉ đạo thực thi.

Với mong muốn góp thêm một góc nhìn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn hóa học đường là bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố có liên quan; nhưng cốt lõi là hệ thống các chuẩn và hệ các giá trị, trong đó bao gồm bộ quy tắc ứng xử cả hoạt động dạy và học, các quan hệ ứng xử. Khi những điều đó đạt tới chuẩn mực và các giá trị được xác định thì lúc đó đạt tới giá trị của văn hóa.

Theo Bộ trưởng, văn hóa học đường không phải từ bên ngoài đặt vào trong trường học, mà chính là những gì đang diễn ra tại các nhà trường, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và đạt tới các giá trị thì đó là văn hóa học đường.

Văn hóa học đường có nhiều phương diện, nhiều tầng thứ. Nếu nhìn từ tầng thứ triết lí và tư tưởng, thì văn hóa học đường phải lấy con người làm trung tâm và phát triển con người; nó phải được quán xuyến trong tất cả các phương diện, từ quản lý, từ tư duy đến hành động, từ trong hoạt động dạy đến học tập và mọi hoạt động trong nhà trường.

Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học; quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò; giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mĩ.

Chúng ta nói “học thực, thi thực, nhân tài thực” đều nằm trong phạm trù của sự thực chất. Chúng ta nói đến tình yêu thương, kết nối, chia sẻ cũng vượt qua ngoài phạm vi của cái "thiện". Chúng ta phát triển con người cho đến không gian học tập, đến các loại hành vi, cao nhất là hướng đến cái đẹp…

Từ cách nhìn nhận như vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cách tiếp cận văn hóa học đường cần tổng thể và toàn diện, nhưng từ tổng thể cần xác định được những yếu tố cốt lõi, trọng tâm để khi ban hành chính sách, tác động vào đó thì giá trị lan tỏa được cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì Hội thảo Giáo dục 2021.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì Hội thảo Giáo dục 2021.

Phải củng cố, làm thật tốt việc tuân thủ pháp luật, nguyên tắc

Bộ trưởng nhấn mạnh, nhân tố hệ trọng và trung tâm chính là người thầy. Khi làm chính sách, đây là khâu đặc biệt quan trọng, có tính chất hạt nhân, cốt lõi để triển khai các phương diện về văn hóa học đường.

Điều cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt để triển khai được văn hóa học đường là làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học sẵn sàng tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ nguyên tắc.

Khi xây dựng pháp luật và thiết kế các nguyên tắc, trong đó đã bao hàm các yếu tố về phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống, văn hóa, truyền thống… Với một giá trị rộng lớn như văn hóa nếu không tìm chỗ dựa để triển khai sẽ rất khó.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng, điều đầu tiên là cả thầy, trò, trường học phải củng cố và làm thật tốt tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và làm thật tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, các chuẩn trường học, chuẩn ứng xử.

Có như vậy mới rõ ràng để thực thi; có tiêu chí, tiêu chuẩn để hành động; có chỗ để thưởng phạt, khen chê… Làm nghiêm các phương diện đó sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học mà ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò thì sau đó mới nói đến các giá trị khác.

Nhìn lại những việc đã làm được trong giai đoạn vừa qua về xây dựng văn hóa học đường, Bộ trưởng cho biết đã có những việc làm được, nhưng cũng còn nhiều việc phải tiếp tục làm. Trong đó có rà soát các vấn đề về thể chế, văn bản quy phạm, cần triển khai mạnh mẽ vấn đề tự chủ trong giáo dục; đồng thời quan tâm tới cải thiện cơ sở vật chất trường học. Bởi khi trường học quá nghèo, lớp học tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường của thầy cô còn khó khăn thì việc triển khai các yếu tố văn hóa trường học sẽ không dễ dàng.

“Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của phần văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường, nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả” - Bộ trưởng nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.