Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Không thể tách rời văn hóa học đường

GD&TĐ - Văn hóa học đường là một phần quan trọng của nền văn hóa nói chung. Do đó, chấn hưng văn hóa không thể tách rời chấn hưng văn hóa học đường.

Cô và trò Trường THCS Lê Anh Xuân (Quận 11, TPHCM) tham dự Hội thi “Lớn lên cùng sách” năm học 2020 - 2021. Ảnh: NT
Cô và trò Trường THCS Lê Anh Xuân (Quận 11, TPHCM) tham dự Hội thi “Lớn lên cùng sách” năm học 2020 - 2021. Ảnh: NT

Nhà trường, nơi “hàm lượng” văn hóa cao nhất

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cốt lõi, cũng như xây dựng đời sống văn hóa ngày càng được nhiều quốc gia, dân tộc quan tâm, chú trọng. Nền tảng để xây dựng, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa đó chính là các nhà trường, cơ sở giáo dục. Bởi trường học không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn là dạy làm người.

Nhấn mạnh ý trên, cô Hoàng Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, cho rằng: Văn hóa nhà trường không chỉ tác động đến giáo viên, học sinh mà còn tạo hiệu ứng tích cực với phụ huynh, cộng đồng, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động, thể hiện tính nhất quán giữa 3 môi trường giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội. Đây cũng là lý do vì sao xây dựng văn hóa học đường trở nên vô cùng cấp thiết và trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.

“Văn hóa học đường chính là nét đẹp nhân cách của thầy và trò, là sức mạnh nội sinh tạo nên sự phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu của mỗi nhà trường, từng cơ sở giáo dục, mỗi quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập, giao thoa của các nền văn hóa như hiện nay” - cô Hoàng Thanh Bình chia sẻ.

Còn theo GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, nhà trường là nơi đào tạo, bồi dưỡng con người, là tổ chức có “hàm lượng” văn hóa cao nhất; nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội. Văn hóa học đường chính là cách xử sự, giao tiếp giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo, giữa thầy cô giáo với nhau, giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng xã hội. Văn hóa học đường còn là ý thức, thái độ của học sinh trong giờ học, sự lĩnh hội kiến thức môn học; cách phát ngôn, ăn mặc của giáo viên, học sinh trong cũng như ngoài giờ học; hành vi, thái độ ứng xử trước mọi tình huống diễn ra trong và ngoài nhà trường...

Học sinh với văn hóa đọc tại thư viện. Ảnh minh họa
Học sinh với văn hóa đọc tại thư viện. Ảnh minh họa

Giải pháp xây dựng văn hóa học đường

Để xây dựng văn hóa học đường hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, giải pháp được GS.TS Thái Văn Thành đề xuất là cần tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong cán bộ, giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường; kế hoạch hóa việc xây dựng văn hóa học đường; tổ chức xây dựng văn hóa học đường theo một quy trình khoa học, bài bản.

Cùng với đó là tổ chức phong trào thi đua xây dựng “nếp sống văn hóa” trong nhà trường; xây dựng văn hóa chất lượng trong các nhà trường; chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ triển khai văn hóa học đường. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm hoạt động thiết chế văn hóa; tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa ứng xử đối với học sinh trên môi trường mạng; đẩy mạnh công cuộc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo góp phần xây dựng văn hóa học đường.

Riêng với kế hoạch hóa việc xây dựng văn hóa học đường, GS Thái Văn Thành cho rằng: Kế hoạch cần hướng đến và thực hiện được mục tiêu hình thành văn hóa mới của nhà trường; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Kế hoạch cũng cần cụ thể, chi tiết tới từng việc, từng người, phù hợp với các điều kiện thời gian và nguồn lực khác để có thể thực thi được kế hoạch đó.

Có thể áp dụng quy trình 5 bước khi xây dựng kế hoạch này: Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển văn hóa học đường; Xác định giá trị cốt lõi, xây dựng tầm nhìn của nhà trường; Xác định hệ thống nhiệm vụ, chương trình hành động, hoạt động xây dựng văn hóa học đường; Lựa chọn mô hình phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn nhà trường. Cuối cùng là lập kế hoạch phát triển văn hóa nhà trường.

Với mong muốn xây dựng một cộng đồng giáo dục, trong đó cán bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng thấm nhuần, hướng đến những giá trị tốt đẹp, Trường Tiểu học Trần Nhân Tông đã nghiên cứu và tiến hành xây dựng những giá trị cốt lõi, quy tắc văn hóa vừa bảo đảm tính chuẩn mực theo yêu cầu đổi mới giáo dục, vừa thỏa mãn được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của các bên tham gia. Những giá trị cốt lõi mà cộng đồng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh cùng hướng tới, theo cô Hoàng Thanh Bình, đó là: “Đẹp, Nhân ái, Đoàn kết, Trách nhiệm và Văn minh”. Những giá trị cốt lõi này được thể hiện cụ thể, rõ nét ở bộ quy tắc văn hóa nhà trường, nội quy học sinh và cam kết giữa phụ huynh học sinh với nhà trường.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ số phát triển, dạy-học trực tuyến đã trở thành phổ biến thì việc xây dựng quy tắc văn hóa trên không gian mạng cũng là điều nhà trường đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, huy động các lực lượng cùng tham gia vào quá trình hình thành, nuôi dưỡng, phát triển văn hóa học đường cho học sinh là điều hết sức cần thiết.

“Thầy cô giáo, cha mẹ, các tổ chức đoàn thể hãy là tấm gương sáng về văn hóa trong đời sống: “Đẹp, nhân ái, đoàn kết, trách nhiệm và văn minh”; cùng chung tay gieo cho học sinh tư duy tích cực, giúp các em có hành động và thói quen tích cực để hình thành tính cách tích cực. Bởi những điều các em được học tập, rèn luyện trong gia đình, nhà trường, cộng đồng hôm nay sẽ góp phần khẳng định vinh quang và nâng tầm văn hóa của gia đình, nhà trường, đất nước mai sau” - cô Hoàng Thanh Bình nêu quan điểm.

“Thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường cần phải có các nguồn lực thích hợp. Nếu không bố trí đúng, đủ các nguồn lực, việc thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường sẽ rất khó khăn. Do đó, hiệu trưởng cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý và khai thác các nguồn lực khác phục vụ cho việc thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa học đường. Người hiệu trưởng cũng phải có kỹ năng chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa học đường và dành kinh phí thích hợp cho việc thực hiện kế hoạch” - GS Thái Văn Thành lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ