Văn hoá quốc gia phải gắn liền với môi trường văn hoá học đường

GD&TĐ - Nhiều giáo viên, giảng viên và nhà quản lý giáo dục đều đồng tình với quan điểm “Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục” đồng thời chia sẻ nhiều giải pháp để giáo dục văn hóa phù hợp với thế hệ trẻ.

Học sinh trường Tiểu học Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tưởng niệm nạn nhân tử vong do Covid-19 trong tiết sinh hoạt ngoại khóa.
Học sinh trường Tiểu học Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tưởng niệm nạn nhân tử vong do Covid-19 trong tiết sinh hoạt ngoại khóa.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng (phó Trưởng khoa Tiếng Việt, trường ĐH Hà Tĩnh): Văn hoá cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế chung của toàn cầu

Lịch sử - văn hoá là cội nguồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hoá đóng một vai trò quan trọng đối với đời sống cá nhân con người và xã hội. Văn hóa giúp hoàn thiện con người, là cơ sở kinh tế, là nền tảng tinh thần xã hội, là cơ sở gắn kết, hội nhập giữa các quốc gia dân tộc. Với vai trò như thế, việc giữ gìn và phát triển văn hoá quốc gia là một nhiệm vụ to lớn không phải của riêng ai hay của riêng ngành nào, trong đó, giáo dục đóng vai trò tiên phong.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó Trưởng khoa Tiếng Việt, trường ĐH Hà Tĩnh)
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó Trưởng khoa Tiếng Việt, trường ĐH Hà Tĩnh)

Bởi, giáo dục đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển nhân cách của con người. Đó là vai trò định hướng và dẫn dắt, điều chỉnh các yếu tố để con người hình thành, phát triển nhân cách. Do đó, muốn chấn hưng văn hoá thì phải bắt đầu từ giáo dục.

Theo tôi, để chấn hưng văn hoá từ giáo dục trước hết là phải giáo dục nhân cách của con người để đảm bảo con người có văn hoá. Văn hoá quốc gia phải gắn liền với môi trường văn hoá học đường. Cần giáo dục văn hoá quốc gia song  song  với quá trình giáo dục văn hoá con người, trong tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục khác của nhà trường.

Học sinh chỉ yêu văn hoá khi hiểu được văn hoá. Và điều đó chỉ thực hiện được khi văn hoá là một phần của đời sống tinh thần của con người. Cần giáo dục cho học sinh, đặc biệt là giới trẻ hiểu được bản sắc văn hoá địa phương, quốc gia, dân tộc; tự hào về nền văn hoá đó thì mới có động lực để giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá của quê hương, của quốc gia.

Cần đầu tư kinh phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất, các hoạt động trải nghiệm tìm về nguồn cội để học sinh được tiếp xúc trực tiếp với những giá trị lịch sử văn hoá của quốc gia, dân tộc. Giáo dục không chỉ từ nhà trường mà phải gắn với giáo dục gia đình và xã hội.

Tôi cũng kiến nghị đến các cấp ngành chức năng cần chấn hưng và phục hồi văn hoá trên mọi mặt đời sống xã hội. Phải có sự đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, từ việc khôi phục, chấn hưng cho đến phát triển văn hoá. Văn hoá cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế chung của toàn cầu.

Thạc sĩ Trương Thị Mai Hoa (Giảng viên khoa Tiếng Việt, trường ĐH Hà Tĩnh): Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, lối sống

Thạc sĩ Trương Thị Mai Hoa (Giảng viên khoa Tiếng Việt, trường ĐH Hà Tĩnh)
Thạc sĩ Trương Thị Mai Hoa (Giảng viên khoa Tiếng Việt, trường ĐH Hà Tĩnh)

Chấn hứng văn hóa bắt đầu từ giáo dục theo tôi là một quan điểm hết sức đúng đắn và cần thiết. Ở phương Tây, từ văn hóa “Culture” có nghĩa gốc là vun trồng, chăm sóc, giáo dục.

Còn ở phương Đông, thuật ngữ văn hóa xuất phát từ “Văn trị giáo hóa”, tức là dùng văn chương, văn tự để giáo hóa con người. Như vậy trong nghĩa gốc của từ văn hóa đã có yếu tố giáo dục. Giữa giáo dục và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.

Giáo dục đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển nhân cách của con người. Giáo dục góp phần đào tạo ra những thế hệ có văn hoá, từ kiến thức, kỹ năng, đến phẩm chất, năng lực. Giáo dục cũng giúp truyền bá lại văn hoá một cách liên tục và thống nhất. Do đó, muốn chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu từ giáo dục.

Hiện nay phần lớn thế hệ trẻ có nền tảng kiến thức rộng, năng động, sáng tạo, nhanh nhạy, có tinh thần cầu thị trong học tập, khả năng ứng dụng những kiến thức học vào thực tiễn cao, biết yêu thương gia đình, thầy cô, bạn bè… Tuy nhiên cũng có một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ đang ứng xử một cách thiếu văn hoá; vô lễ với cha mẹ, thầy cô; sống không có mục đích, ước mơ, lý tưởng, chỉ biết quan tâm đến lợi ích riêng mình mà không biết mở rộng lòng mình trước những mảnh đời bất hạnh xung quanh.

Trong văn hóa giao tiếp, việc dùng chêm xen ngôn ngữ nước ngoài, các từ ngữ tục tỉu đang làm mất đi vẻ đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt. Rất nhiều bạn trẻ hoang phí tuổi thanh xuân vào những trò chơi vô bổ, tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực học đường đang là một vấn đề nhức nhối trong nhà trường…

Để hình thành văn hóa của học sinh, sinh viên, thiết nghĩ cần có sự chung tay vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nhân cách, đạo đức, lối sống của một con người phải được giáo dục từ nhỏ trong chính môi trường gia đình của mình từ cách ăn, cách mặc, cách nói năng, giao tiếp với ông bà, bố mẹ, anh chị…Về phía nhà trường, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức cần tăng cường việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, dạy cho các em biết làm người tử tế, trung thực, nhân ái, đoàn kết, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, lối sống để học sinh noi theo, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Nguyễn Thị Mỹ Bình, phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh: Cần có quan điểm đúng về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Bình, phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Bình, phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh

Tôi rất tán thành quan điểm “Chấn hưng văn hoá bắt đầu từ giáo dục”. Vì văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong cuộc sống và lao động. Trong khi đó, giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, phẩm chất con người. Do vậy, muốn "chấn hưng văn hóa" thì phải coi giáo dục là gốc, là nhân tố quan trọng, quyết định.

Xét theo nghĩa hẹp của khái niệm văn hóa, một bộ phận giới trẻ hiện nay có lối sống không lành mạnh, buông thả, cá nhân, ích kỷ, lệch chuẩn, vô cảm; mờ nhạt về lý tưởng sống; không hiểu hoặc xem nhẹ những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc.

Chính vì vậy, muốn lấy giáo dục làm cốt và là thành tố quan trọng để chấn hưng văn hóa thì cần có quan điểm đúng về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục; quan tâm, đầu tư xứng đáng và hiệu quả cho giáo dục.  Ngoài ra, giáo dục nhân cách cho học sinh từ nhỏ và có hệ thống về nội dung, phương pháp cho các cấp học.

Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh; Cần xây dựng, phát huy môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong cộng đồng; Tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Với những lẽ đó, song song với việc giáo dục các môn văn hóa,  trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã luôn chú trọng xây dựng phẩm chất đạo đức cho học sinh bằng nhiều hình thức như: Xây dựng Quy định ứng xử trong cán bộ, giáo viên và học sinh, dựa trên những giá trị cốt lõi: Đoàn kết, nhân ái, tôn trọng, khoan dung, dân chủ, trung thực, trách nhiệm, khai phóng.

Chú trọng văn hóa "nêu gương" mà thầy cô giáo phải thực sự là những tâm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo; Tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp để giáo dục về đạo đức, nhân cách, ứng xử văn hóa, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống, biết sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, biết yêu thương con người... cho HS (thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt cảnh, các hoạt động thiện nguyện...); Xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc trong trường học; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.