Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Nhìn từ văn hóa học đường

GD&TĐ - Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc...

Học sinh Lai Châu hứng thú với những hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: TG
Học sinh Lai Châu hứng thú với những hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: TG

Linh hoạt từng vùng miền

Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) - cho biết: Ngành GD-ĐT đã triển khai thành công việc giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Thủ đô, góp phần giáo dục các em về thái độ và hành vi ứng xử.

Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Nên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ giữa người với người như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu hòa nhã hơn.

Các trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện lồng ghép giảng dạy những nội dung của bộ tài liệu trong các môn học khác, kết hợp trong giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt Đoàn, Đội, giúp các em ý thức được trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội. Đây cũng chính là nền tảng của mô hình văn hóa ứng xử của các trường học trên địa bàn.

Do đặc thù của thành phố cảng, người Hải Phòng thường được coi là “ăn sóng, nói gió”. Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hải Phòng) - cho hay: “Quá trình xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học cũng phải dựa trên những đặc trưng này để giúp học sinh vừa giữ được bản sắc của mình, vừa đạt được những chuẩn mực chung”.

Trong năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Hải Phòng đã quan tâm, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ góp phần giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống cách mạng, tăng cường cho học sinh, sinh viên đọc sách…

Tương tự, là tỉnh miền núi với 80% học sinh là dân tộc thiểu số, Lai Châu có những đặc thù riêng để xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc. Theo ông Phạm Xuân Dưỡng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Lai Châu), 100% các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực. Sở đã xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả với 6 đặc trưng là: Trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo.

Bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ảnh: TG
Bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ảnh: TG

Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục

Để xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT, đại diện các sở GD&ĐT, nhà trường đều nhấn mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa học đường, về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, tạo ra môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Điều này được thể hiện qua việc bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các trường học, thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử.

Đội ngũ giáo viên cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn do tỉnh, địa phương tổ chức về chuyên môn, văn hóa học đường. Qua đó, để giáo viên có thể hiểu sâu, hiểu rộng về những kiến thức văn hóa cũng như xã hội để giáo dục học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT An Giang lại nhấn mạnh đến việc tích cực đổi mới phương pháp, hình thức trong giáo dục văn hóa ứng xử. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có các môn học Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Cùng với đó là đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại. Ngoài ra là tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa ứng xử như thi tìm hiểu bản sắc văn hóa nhân dịp Tết dân tộc hàng năm, các cuộc thi nói lời hay làm việc tốt, mỗi ngày một hành động đẹp.

Tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh và thể hiện ứng xử văn hóa trong môi trường Internet, mạng xã hội; triển khai thực hiện tốt Luật An ninh mạng.

Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng trong các trường học, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh định hướng một cách rõ ràng mục tiêu học tập và lý tưởng nghề nghiệp, hình thành ở cán bộ, giáo viên và học sinh những ấn tượng sâu sắc, giá trị tình cảm tốt đẹp đối với nhà trường. Từ đó, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, bồi dưỡng niềm tin của cán bộ, giáo viên và học sinh vào đường lối lãnh đạo của Đảng.

“Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành một thế hệ Z (Gen Z - những người được sinh từ năm 1995 - 2002) với tính cách năng động và suy nghĩ khác hẳn so với thế hệ trước. Đặc biệt, để bắt nhịp với những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, việc xây dựng văn hóa ứng xử càng trở nên quan trọng. Vì vậy, cần tích cực đổi mới văn hóa ứng xử trong trường học để hình thành môi trường năng động và sáng tạo”. - bà Nguyễn Thuý Liễu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ