Phát triển năng lực học tập từ tư duy phê phán

GD&TĐ - Tư duy phê phán không dừng lại ở việc giúp sinh viên xử lý những việc đơn giản thường ngày mà còn đem lại cho người học cách thu thập tài liệu phù hợp, sắp xếp một cách hiệu quả và sáng tạo thông tin, có lập luận logic và đưa ra kết luận xác đáng… 

Phát triển năng lực học tập từ tư duy phê phán

Phát huy năng lực tư duy phê phán cho sinh viên là góp phần tích hợp nhiều hơn kiến thức chuyên môn cũng như kĩ năng sống, phát huy năng lực học tập của bản thân.

Hạn chế tư duy phê phán

Có thể thấy, gần đây sinh viên nói chung đã trở nên năng động hơn trong cuộc sống để phát triển thành những con người hoàn thiện. Tuy nhiên hiện nay, nhiều sinh viên vẫn trong tình trạng rụt rè, thiếu mạnh dạn để thể hiện mình, chưa tự tin trước bạn bè, thầy cô và đám đông khi bước vào môi trường trường lớp và xã hội.

Mặt khác có thể thấy, tính tự nguyện, nhiệt tình của sinh viên khi tham gia vào các phong trào Đoàn còn hạn chế, ý thức tự học tập chưa cao. Trong các giờ học trên giảng đường hay với bạn bè chưa chủ động, tự giác xây dựng bài.

Xét về kĩ năng mềm của sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường còn yếu. Sinh viên ít tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động xã hội bên ngoài nhà trường. Và khả năng vận dụng thực tế của sinh viên cũng còn không ít hạn chế.

Đáng nói, trong khi nhà trường đã và đang nỗ lực để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên song hiện nay một bộ phận chưa thực sự tích cực trong công tác giảng dạy sinh viên, khi vào một môn học mới rất ít giảng kĩ phần nhập môn để sinh viên hiểu được ý nghĩa của môn mình đang học nhằm xác định thái độ đúng đắn với môn học.

Cũng chính vì những hạn chế từ nhiều mặt mà sinh viên vẫn tuân thủ lối tư duy cũ, một chiều, không nhiều sinh viên có tư duy phản biện, chủ động phản biện trước một vấn đề, sự việc, hiện tượng.

Một hạn chế khác vẫn dễ nhìn thấy ở sinh viên, đó là chưa thực sự hứng thú với việc đến trường, không ít sinh viên còn mang nặng tư tưởng chú trọng học ở bậc phổ thông còn đại học xả hơi. Điều đó khiến cho thấy ý thức học tập ở nhà, tìm kiếm thông tin bên ngoài giáo trình cũng như cách tiếp nhận tri thức từ bài giảng của giảng viên, cách ghi chép bài học của sinh viên còn không ít hạn chế.

Thúc đẩy tư duy phê phán

Để phát huy năng lực tư duy phê phán cho sinh viên thì không chỉ phụ thuộc vào bản thân sinh viên mà phía nhà trường, giảng viên, đoàn thể cũng đóng vai trò quan trọng.

ThS Trần Thị Thâm Tâm từ Trường CĐ Thương mại nhấn mạnh: Trước hết, về phía sinh viên phải nhận ra điểm mạnh, điểm yếu về tư duy của bản thân, qua đó lựa chọn cách rèn luyện tư duy cho phù hợp với khả năng của bản thân. Bản thân mỗi sinh viên phải tự tìm cho mình sự hăng say, hứng thú trong học tập, xem việc học như một nhu cầu, có kế hoạch học tập, chuẩn bị chu đáo bài học trước khi lên lớp, đặc biệt phải biết đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình.

Sinh viên phải có độ dày kiến thức liên ngành, biết liên hợp, tổng kết vấn đề khi phân tích, so sánh, đối chứng. Đặc biệt, không vội vàng đưa ra quyết định khi chưa đối chứng kết quả của quá trình tư duy phê phán.

Để đạt được hiệu quả từ những giải pháp trên, bản thân sinh viên cần nhận thức rõ không ai dọn sẵn tri thức cho mình lãnh hội mà bản thân mỗi người phải tự mình lựa chọn để thưởng thức dựa trên năng lực của bản thân.

Cũng theo quan điểm của ThS Trần Thị Thanh Tâm, việc đổi mới giáo dục ĐH là nhiệm vụ hàng đầu để thay đổi những hạn chế về tư duy phản biện ở sinh viên hiện nay. Nhà trường cần quán triệt và sâu sát hơn với phương pháp giảng dạy mới “lấy người học làm trung tâm” với sự trao đổi, tranh luận cởi mở, tự do như nghiên cứu tình huống, học trên cơ sở giải quyết vấn đề, học quám phá, trải nghiệm…

Mặt khác, để phát huy năng lực tư duy phê phán cho sinh viên thì sự thay đổi quy mô lớp học, bố trí lại số lượng sinh viên trong mỗi lớp học cũng là một điều cần thiết. Bởi lớp học đông, phòng học nhỏ cũng là trở ngại đối với giảng viên trong việc quán xuyến sâu sát đến từng sinh viên, cũng như gây trở ngại đến việc sinh viên phát huy ý kiến, quan điểm cá nhân để dần dần hình thành tư duy phản biện.

Nhà trường nên tổ chức nhiều hơn nữa những hội thảo khoa học về chuyên đề giáo dục đối với sinh viên, thành phần tham dự là tất cả giáo viên, cán bộ nhà trường và các bạn sinh viên quan tâm. Khuyến khích và tạo điều kiện để SV viết bài tham dự những hội thảo giáo dục do nhà trường tổ chức…

Cần khuyến khích các thầy cô giáo đổi mới phương pháp giảng dạy, cần tạo ra một không khí đối thoại giữa thầy - trò, tạo môi trường thoải mái, thân thiện trong mỗi tiết giảng, trên tinh thần tất cả các phương pháp đều xuất phát từ người học vì người học.

Về phía những người thầy đảm nhiệm công tác giảng dạy cần trở thành cầu nối giúp người học đến với tri thức, đồng thời thông qua quá trình giáo dục giúp nhà trường thẩm định lại kết quả.

Mỗi giảng viên cũng có thể phát huy năng lực tư duy phê phán cho sinh viên thông qua việc ra bài tập rèn luyện khả năng phê phán. Thúc đẩy sinh viên suy nghĩ theo lối phản biện; khuyến khích sinh viên hoài nghi khoa học, rèn luyện tư duy phê phán một cách có ý thức.

Đặc biệt, giảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, không tự mãn, kiêu căng với thành tích hiện tại, luôn cầu tiến trong lĩnh hội tri thức.

Tổ chức đoàn thể cũng là một trong những kênh thúc đẩy phát huy năng lực tư duy phê phán cho sinh viên khi đưa đến cho sinh viên một sân chơi lành mạnh gắn liền giữa giải trí và giáo dục.

Đoàn trường, Hội SV thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí kích thích động não cho sinh viên. Các hoạt động của Đoàn thể luôn đề cao tính đoàn kết, cộng đồng nhằm phát huy cao độ khả năng làm việc nhóm, từ đó góp phần rèn luyện cho SV tư duy theo hướng phê phán, dám đưa ra chính kiến của mình đưa thành tích của nhóm đạt hiệu quả cao. Đoàn trường cần tạo ra những điểm nhấn, những cái mới trong các hoạt động để tạo nên hứng thú để lôi kéo được đa số sinh viên tham gia. Cần đánh giá chất lượng những phong trào và câu lạc bộ đang hoạt động trong nhà trường.

Các hoạt động vui chơi của Đoàn, Hội không dừng lại ở giải trí mà phải lồng ghép với giáo dục, đề cao phương châm học mà chơi, chơi mà học, nêu gương bằng hành động thực tế. Trong giáo dục không có gì mang lại hiệu quả cao bằng minh chứng thực tiễn, những gương sáng điển hình vượt khó, học giỏi chính là bằng chứng sinh động và có hiệu lực cao nhất cho tiết giảng lý thuyết.

Thông qua tư duy phê phán có thể giúp sinh viên tìm câu trả lời xác đáng, sự lựa chọn đúng đắn, giải pháp hợp lý, giúp đào sâu suy xét kĩ trước khi đưa ra nhận định, kết luận, giảm thiểu sai lầm, tiến gần hơn với bản chất sự việc, chân lý, làm rõ những gì chưa tốt hoặc tốt trong hệ thống…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.