Nghệ An: Bù đắp thiếu hụt ngoại ngữ cho học sinh

GD&TĐ - Tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên Tiếng Anh là giải pháp hàng đầu của ngành Giáo dục Nghệ An để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời, khuyến khích việc đưa giáo viên nước ngoài vào dạy trường học trên cơ sở đảm bảo về năng lực, đạo đức và thủ tục pháp lý.   

Giáo viên Tiếng Anh đem laptop cá nhân, loa… đến lớp dạy cho học sinh
Giáo viên Tiếng Anh đem laptop cá nhân, loa… đến lớp dạy cho học sinh

Đưa thầy “ngoại” vào trường học

Năm học 2018 – 2019 là năm thứ 3 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) thực hiện mời giáo viên người nước ngoài tham gia dạy Tiếng Anh trong trường. Hiện toàn trường có 15/28 lớp khối 10 và khối 11 đăng ký học, đây cũng là các lớp có nhiều học sinh theo các khối A1 hoặc khối D.

Theo thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Việc học với giáo viên người nước ngoài là hoàn toàn theo đăng ký tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu này rất lớn nên nhà trường tiếp tục duy trì mấy năm qua. Các giáo viên nước ngoài chủ yếu giảng dạy, hỗ trợ học sinh chủ yếu về kỹ năng nghe – nói Tiếng Anh.

Chi phí mỗi tiết học trả cho giáo viên nước ngoài là 500.000 đồng/tiết/lớp, chia ra trung bình mỗi em góp khoảng hơn 10 đồng/tiết. Mức tiền này phù hợp với học sinh và phụ huynh. Nếu mời giáo viên về dạy theo từng buổi như dạy thêm, thì mức học phí sẽ đắt, sẽ khó mà thực hiện được trên phạm vi đông học sinh.

Cô Nguyễn Thị Mai – GV bộ môn Tiếng Anh,Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng – cũng chia sẻ: Qua thời gian thực hiện mời giáo viên nước ngoài về trường phối hợp giảng dạy, giúp học sinh hào hứng, tự tin trong giao tiếp, sử dụng Tiếng Anh.

Ở các lớp học tại trường THPT, sỹ số học sinh đông, trình độ, năng lực học tập không đồng đều nhau. Vì thế, việc giáo viên nước ngoài chỉ hỗ trợ phần kỹ năng nghe – nói là phù hợp nhất. Trong các tiết học có giáo viên nước ngoài, thì giáo viên Tiếng Anh chính khóa của trường cũng tham gia.

Vừa để phối hợp trong nội dung bài giảng phù hợp với tiến độ chương trình học của học sinh, đồng thời bản thân các giáo viên cũng học hỏi thêm về phương pháp dạy học, và thực hành giao tiếp. Ngoài ra, các giáo viên nước ngoài cũng hỗ trợ và tham gia với học sinh nhà trường trong sinh hoạt CLB Tiếng Anh rất hiệu quả.

Việc liên kết với một số trung tâm ngoại ngữ, mời thêm giáo viên nước ngoài về dạy Tiếng Anh cho học sinh cũng được Trường Tiểu học Trung Đô (TP Vinh) thực hiện nhiều năm qua và có hiệu quả. Trường Tiểu học Trung Đô là một trong những trường dạy học thí điểm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Cô Phan Thị Hồng Mai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo đề án, trường được hỗ trợ xây dựng phòng Lab và giáo viên bản ngữ, nhưng số lượng ít, trong khi đó nhu cầu của học sinh và phụ huynh rất lớn. Vì thế, trường mời thêm giáo viên nước ngoài về dạy cho học sinh.

Tăng cường bồi dưỡng giáo viên “nội”

Là một giáo viên có kinh nghiệm dạy Tiếng Anh tại Trường THCS Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An – thầy Nguyễn Đức Thắng - thừa nhận: Việc dạy học Tiếng Anh tại trường chỉ mới đáp ứng được hai kỹ năng đọc hiểu và ngữ pháp.

Còn 2 kỹ năng nghe và nói vẫn còn nhiều hạn chế. Lý do trước hết là cơ sở vật chất chưa đảm bảo để thực hành tốt các kỹ năng này. Học sinh trong trường chủ yếu là con em gia đình làm nông nghiệp nên điều kiện học Tiếng Anh còn vất vả.

Vì vậy, sự chịu khó, sáng tạo của giáo viên sẽ bù đắp những thiếu thốn, thua thiệt cho học sinh. “Các thầy cô bộ môn Tiếng Anh của trường tự mang laptop, loa, đĩa CD lên lớp để giảng dạy cho học sinh. Chúng tôi cũng khuyến khích các em tham gia các cuộc thi, giao lưu tiếng Anh trên mạng Internet, thành lập các CLB Tiếng Anh để tạo sự hào hứng cho các em đối với môn học này”.

Trên toàn huyện Nghi Lộc, mặc dù còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất lẫn giáo viên, nhưng đây cũng là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh Nghệ An trong triển khai chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm cho 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Trong khi đó, tỷ lệ này của cả tỉnh là 72,24% ở tiểu học, 40% ở bậc THCS và 0,03% ở bậc THPT.

Từ năm 2010, cùng với cả nước Nghệ An đã triển khai đề án Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020". Năm 2017, tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành thêm kế hoạch “Tăng cường dạy và học Tiếng Anh trong trường phổ thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 – 2020”.

Tuy nhiên, tại Nghệ An tiến độ và hiệu quả vẫn chưa đồng bộ. Trong đó có nguyên nhân lớn về chất lượng và số lượng giáo viên. Tỷ lệ đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT để triển khai dạy Tiếng Anh hệ 10 năm chỉ mới đạt 63,2%. Trong đó, bậc THPT là 20%.

Để giải quyết vấn đề này, Sở GD&ĐT Nghệ An thời gian qua rất chú trọng bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ cho giáo viên Tiếng Anh. Tháng 3/2018, có hơn 200 giáo viên Tiếng Anh đã được tham gia lớp năng lực sư phạm – đối với giáo viên tiểu học, THCS và năng lực tiếng Anh – đối với giáo viên THPT. Mục đích các lớp bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu mới của Bộ GD&ĐT theo Đề án ngoại ngữ 2020.

Tham gia các lớp bồi dưỡng, giáo viên tiếp cận được thêm nhiều kinh nghiệm và phương pháp giáo dục mới, hiện đại; kỹ thuật thiết kế bài giảng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ. Góp phần cho đổi mới dạy và học trong các nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Một trong những nhiệm vụ mà giáo dục Nghệ An rất chú trọng là tăng cường dạy học ngoại ngữ. Trong đó, đầu tiên là nâng cao trình độ năng lực của giáo viên Tiếng Anh để đạt chuẩn và thực chất.

Sở cũng khuyến khích các trường phối hợp với các tình nguyện viên, giáo viên bản ngữ đủ trình độ, giấy phép và chứng chỉ dạy Tiếng Anh vào dạy học. Với điều kiện phải có ý kiến của Sở và phải đúng quy trình. Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới học liệu dạy ngoại ngữ cho các trường để việc triển khai dạy học có hiệu quả và thiết thực, tránh lãng phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ